Việc nuôi nhốt hổ trái phép với số lượng lớn có thể bị xử lý hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Pháp nhân thương mại nếu phạm tội có thể bị phạt tiền lên đến 15 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An vừa xác nhận với PLO việc triệt phá thành công nhiều cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, rạng sáng 4-8, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp cùng các đơn vị liên quan đã bắt quả tang một số cơ sở nuôi nhốt hổ trái phép.
Qua đó, lực lượng chức năng thu giữ tổng cộng 17 con hổ trưởng thành; trong đó tại xã Đô Thành (huyện Yên Thành) thu giữ 14 con và ba con tại xã Diễn Tháp (huyện Diễn Châu).
“Chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ sau khi hoàn tất các công tác xác minh, điều tra cần thiết” – vị lãnh đạo công an tỉnh cho hay.
Nhiều bạn đọc thắc mắc với hành vi nuôi nhốt bất hợp pháp 17 cá thể hổ nêu trên sẽ phải chịu hình phạt nào?
Trao đổi với PV, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết cần chờ kết luận chính thức thì phía cơ quan công an mới có thể đưa ra nhận định chính xác.
Tuy nhiên, bước đầu có thể xác định hành vi nuôi nhốt hổ trái phép này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – BLHS).
Theo đó, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB hoặc phụ lục I công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp… thì phải chịu TNHS về tội này.
Căn cứ vào danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; ban hành kèm theo Nghị định 06/2019 (quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) thì hổ thuộc nhóm IB (lớp thú, bộ thú ăn thịt).
Do đó, hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép hổ là phạm pháp. Tùy thuộc vào số lượng cá thể hổ nuôi nhốt bất hợp pháp mà người phạm tội sẽ bị xử lý theo các khoản tương ứng của điều luật.
“Số lượng hổ bị nuôi nhốt trái phép trên 12 con sẽ rơi vào khoản 3 Điều 244 BLHS với mức phạt 10-15 năm tù” – TS Phan Anh Tuấn nhận định.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền đến 15 tỉ (nếu phạm vào khoản 3 Điều 244 BLHS), bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, thậm chí bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
TS Phan Anh Tuấn cũng lưu ý thêm, có một tội cũng “na ná” Điều 244 BLHS là tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 234 BLHS.
Điểm khác dễ phân biệt của Điều 234 BLHS đó là điều luật này quy định đối với động vật thuộc nhóm IIB (thuộc chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), còn Điều 244 BLHS quy định đối với động vật thuộc nhóm IB (thuộc chương các tội phạm về môi trường). Tội danh theo Điều 244 BLHS có khung hình phạt “nặng hơn” (tối đa là 15 năm tù) so với Điều 234 BLHS (tối đa là 12 năm tù).