Hiện nay, rừng tự nhiên ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang bị tàn phá nghiêm trọng, việc khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng chưa đang là một thách thức lớn; trong khi đó việc UBND huyện Kon Plông lại đề nghị làm dự án xây biệt thự, làm đường giao thông trong khu vực đất rừng tự nhiên (?) khiến người dân vô cùng bức xúc.
Những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (tại Hội nghị “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020”, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, tổ chức ngày 20/6/2016 tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk), sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và người dân, công tác bảo vệ và phát triển rừng trong cả nước đã đạt một số kết quả nhất định.
Tuy nhiên, đến nay, khu vực Tây Nguyên vẫn là trọng điểm trong cả nước về phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật; tình trạng tranh chấp về đất rừng kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do sức ép về phát triển kinh tế – xã hội ngày càng gia tăng do dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh, nhất là tình trạng dân di cư tự do dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác đã gây sức ép lớn lên rừng tự nhiên trong khu vực. Chính quyền một số địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý về bảo vệ rừng; chưa thường xuyên hoặc thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, ngăn chặn để rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Một bộ phận các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng trên lâm phần được giao; có biểu hiện buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong bảo vệ rừng ở một số nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ…
Để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt ba giải pháp trọng yếu, đó là: (1) Không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên hiện còn sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai (trừ các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). (2) Không chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp và (3) Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng sang các cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lâm nghiệp từ năm 2006 đến nay, đề xuất giải pháp phù hợp. Kiên quyết thu hồi diện tích rừng, đất lâm nghiệp thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng quy định. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi. Đối với các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác cần xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, theo dõi tiến độ, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện việc trồng rừng thay thế theo đúng kế hoạch được phê duyệt.
Tiếp đó, ngày 12/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện nghiêm túc, khẩn trương rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội có tác động tiêu cực đến diện tích, chất lượng rừng, đặc biệt là đối với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch… Rà soát, đánh giá lại kết quả thực hiện và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường đối với các dự án cải tạo rừng tự nhiên; dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su, sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, kiên quyết đình chỉ, thu hồi đất đối với dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có sai phạm, hoặc có nguy cơ gây thiệt hại lớn về rừng, môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân vùng dự án; đồng thời xử lý nghiêm minh, công khai, minh bạch các tổ chức, cá nhân vi phạm, thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt, cấp phép đầu tư.
Như vậy, có thể thấy việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, cán bộ chưa nhận thức đúng và đầy đủ về công tác này; tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn diễn ra ở một số nơi; tình trạng phá rừng lập dự án, chuyển đổi sai mục đích được giao quản lý vẫn đang diễn ra, khiến cho diện tích rừng ngày bị thu hẹp.
Mới đây, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã Công văn số 1569/STNMT-QHKHSDĐ “Về việc trả lại hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, Dự án đấu giá quyền sử dụng đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông”, theo đó, trả hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện Dự án khai thác quỹ đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông có diện tích 21,3ha (thuộc khoảnh 8,13,14 tiểu khu 483A thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), do UBND huyện Kon Plông làm chủ đầu tư. Nguyên nhân chính là có hơn 06ha rừng tự nhiên và rừng trồng đang tọa lạc trên đất của Dự án có sự khác nhau giữa thực địa và trong báo cáo kiểm kê.
Cụ thể, theo bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 được phê duyệt tại Quyết định số 1307/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh Kon Tum, Quyết định số 255/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 của UBND huyện Kon Plông về việc công bố hiện trạng rừng năm 2020, Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 02/4/2021 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum năm 2020, thì kết quả hiện trạng khu vực dự án chỉ rõ: Đất có rừng, chức năng sản xuất: 6,01ha (Rừng tự nhiên TXP: 5,75 ha; Rừng trồng RTG: 0,26 ha); Đất không có rừng, ngoài quy hoạch ba loại rừng: 0,19ha (đất trống DT2, đất khác DKH); trong khi đó tại Tờ trình xin chuyển mục đích sử dụng đất Dự án Đấu giá quyền sử dụng đất khu biệt thự phía Bắc trung tâm huyện Kon Plông của UBND huyện Kon Plông khẳng định trên diện tích xin chuyển mục đích thì hiện trạng chỉ là đất không có rừng, đất chưa sử dụng, đất giao thông do UBND do thị trấn Măng Đen quản lý (!?).
Để tìm hiểu về vấn đề này, Phóng viên (PV) đã đến khu vực tiểu khu 438A thị trấn Măng Đen (nơi được cho là vị trí của Dự án) để tìm hiểu. Theo những gì PV quan sát được, hiện trạng vẫn còn những gốc cây đường kính khoảng gần 01 mét đã bị cưa đổ, không thấy phần thân, chỉ còn những bãi đất trống trên khu vực rừng…
PV đã phỏng vấn ông T.N.H (một người dân sinh sống trên địa bàn), ông cho biết: “Diện tích khoảng hơn 6ha rừng này chúng tôi thấy các loại máy cưa, phá cây rừng vào khoảng cuối năm 2020, tôi thấy xót xa cho những gố cây đường kính có khi gần 1 mét cũng bị đốn hạ ngổn ngang… mất hết rừng còn đâu là du lịch sinh thái?…”
Căn cứ theo Thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ (số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016) tại Hội nghị “Về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020”, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thì huyện Kon Plông không thuộc trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nếu hiện trạng đang là rừng tự nhiên.
Với thực trạng rừng ở huyện Kon Plông đang bị tàn phá nghiêm trọng như hiện nay, việc khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng chưa được các cấp chính quyền quan tâm, thực hiện thì việc UBND huyện Kon Plông tiếp tục đề nghị xây dự án, làm đường giao thông trong khu vực đất rừng tự nhiên khiến người dân vô cùng bức xúc.