Hãng tin Reuters đã tổng hợp một số nghiên cứu khoa học mới nhất về virus SARS-CoV-2 và những nỗ lực tìm kiếm phương pháp điều trị và vắc xin cho dịch Covid-19.
Ca nhiễm đột phá biến thể Delta vẫn có thể phát tán virus
Trong số những người bị nhiễm biến thể Delta, những người được tiêm chủng đầy đủ khi bị nhiễm cũng có thể lây truyền virus giống như những người chưa được tiêm.
Lượng virus trong mũi họng càng cao thì bệnh nhân càng có khả năng lây nhiễm cho người khác. (Người mắc Covid-19 sau khi tiêm chủng được gọi là nhiễm đột phá).
Tại một quận của bang Wisconsin – Mỹ, sau khi biến thể Delta trở thành chủng trội, các nhà nghiên cứu ở Trung tâm y tế công cộng Madison và Dane đã phân tích lượng virus trên các mẫu xét nghiệm và phát hiện tải lượng virus tương tự ở những bệnh nhân đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, với mức độ đủ cao để lây cho người khác.
Trong một nghiên cứu riêng biệt từ Singapore, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện tải lượng virus do biến thể Delta sản sinh ra ở bệnh nhân đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng là tương đương nhưng tải lượng virus giảm nhanh hơn ở nhóm đã được tiêm chủng.
Các nghiên cứu ở bang Wisconsin và Singapore đều được đăng vào ngày 31-7 trên trang web medRxiv.org.
Biến thể Lambda có khả năng kháng vắc-xin
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản công bố biến thể Lambda (ghi nhận lần đầu ở Peru và đang lây lan mạnh ở Nam Mỹ) có khả năng lây nhiễm mạnh hơn và kháng vắc-xin hơn so với chủng gốc phát hiện TP Vũ Hán – Trung Quốc.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản phát hiện 3 đột biến trên protein gai của biến thể Lambda (gồm RSYLTPGD246-253N, 260 L452Q và F490S) giúp nó lẩn tránh kháng thể do vắc-xin tạo ra. Hai đột biến T76I và L452Q thì tăng khả năng lây nhiễm.
Trong một bài báo đăng hôm 28-7 trên trang bioRxiv.org, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng với việc biến thể Lambda được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào danh mục biến thể cần chú ý (VOI), tức thấp hơn các biến thể cần quan tâm (VOC) như Delta, có thể khiến mọi người không nhận ra đó là mối đe dọa tiềm tàng.
Mặc dù chưa rõ liệu Lambda có nguy hiểm hơn Delta hay không, các nhà nghiên cứu Kei Sato của Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản) tin rằng “Lambda có thể là mối đe dọa tiềm tàng đối với xã hội loài người”. Liều vắc-xin mRNA thứ ba có thể tăng số lượng kháng thể nhưng không tăng chất lượng.
Trong báo cáo đăng trên bioRxiv ngày 29-7, nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Rockefeller (Mỹ) cho biết trong số người được tiêm chủng đầy đủ và chưa mắc Covid-19, việc tiêm liều vắc-xin mRNA thứ ba của hãng dược Moderna hoặc Pfizer/BioNTech có thể gia tăng mức kháng thể nhưng không phải là kháng thể có khả năng tốt hơn để vô hiệu hóa các biến thể mới.
Các nhà khoa học lưu ý rằng ở những người phục hồi sau Covid-19 sẽ có các kháng thể của hệ thống miễn dịch phát triển trong năm đầu tiên, trở nên mạnh hơn và có khả năng chống lại các biến thể mới tốt hơn.
Do đó, việc tiêm liều thứ ba cùng một loại vắc-xin cho những người này có thể sẽ tạo ra lượng kháng thể cao hơn nhưng vẫn kém hiệu quả hơn đối với các biến thể. Dù vậy, ông Michel Nussenzweig, đồng tác giả nghiên cứu, nói: “Hiện tại, vắc-xin vẫn có tác dụng bảo vệ khỏi tình trạng lây nhiễm nghiêm trọng”.