Việc thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên đang từng bước góp phần và các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học tại TP Đà Nẵng. Trong thời gian qua đã có rất nhiều cá thể động vật hoang dã quý hiếm được trở lại rừng sau khi được người dân cũng như các lực lượng chức năng cứu hộ và chăm sóc.
Những người chuyên cứu giúp động vật
Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với hệ động thực vật phong phú, tuy nhiên dù lực lượng chức năng TP Đà Nẵng ráo riết thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát và tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã đến người dân nhưng các loài vật vật vẫn còn bị đe dọa bởi hàng nghìn nguyên nhân như dây bẫy, săn bắt… Với anh Đào Đặng Công Trung – một người dân chuyên tình nguyện đi giải cứu các loại động vật hoang dã thì không thể đếm được bao nhiêu lần anh đã giải cứu các loài động vật bị mắc bẫy, bị thương. “Nhìn các “bạn ấy” mắc bẫy, vẫy vùng mình thấy rất xót, động vật cũng giống như con người, nếu con người bị mắc bẫy như thế chắc chắn sẽ rất đau đớn”, anh Trung chia sẻ.
Các loài động vật được anh Trung giải cứu thuộc nhiều giống loài khác nhau như chim, cá, khỉ, trăn, rắn, trút, chồn… Đặc biệt anh cùng đội nhóm đã nhiều lần giải cứu cá thể trút thành công, động vật này cần được bảo vệ kỹ lưỡng vì đang trên đà tuyệt chủng. Có lần anh tình cờ bắt gặp động vật bị nạn rồi tự giải cứu chúng, nhưng anh cũng thường phối hợp cùng các đội, nhóm giải cứu động vật để đảm bảo sự an toàn, hiệu quả và đúng quy định trong khi cứu hộ. Anh Trung cho biết thêm: “Việc giải cứu động vật hoang dã không hề dễ dàng vì người thực hiện phải là người am hiểu tập tính của giống loài đó, tiếp xúc an toàn để không bị động vật cắn. Các trình tự giải cứu phải nhẹ nhàng tránh làm chúng hoảng loạn. Hiện nay tình trạng người dân khai thác mây, các loài cây thuốc và bẫy chim, động vật hoang dã trên núi vẫn còn nhưng đã giảm rất nhiều so với trước đây, đó là nhờ lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra và phát hiện xử lý nghiêm khắc nhiều trường hợp xâm hại động vật hoang dã. Sự vào cuộc của chính quyền cơ quan chức năng trong việc bảo vệ rừng cũng như các loài động vật có ý nghĩa quyết định và góp phần rất lớn trong việc ngăn chặn sự khai thác các tài nguyên rừng”.
Hai chị Nguyễn An Bình và chị Cao Thị Kim Tuyết cũng được những người trong “giới” giải cứu động vật hoang dã nhắc đến vì đã cứu sống rất nhiều trường hợp động vật bị thương. Từ những chuyến đi rừng “săn” cảnh đẹp, các chị đã nhanh chóng phát hiện ra rất nhiều động vật, đặc biệt là cá thể khỉ bị thương nặng với đủ nguyên nhân. Không chỉ dừng lại ở tình thương, 2 chị Bình, Tuyết đã nhanh chóng vào cuộc, kêu gọi, tuyên truyền cộng đồng cùng chung tay giải cứu và bảo vệ động vật hoang dã và nhận được sự quan tâm, lan tỏa rất lớn. Bản thân 2 chị đã cứu nhiều trường hợp động vật hoang dã bị thương, bị nuôi nhốt thoát khỏi nguy hiểm và đưa chúng về với ngôi nhà tự nhiên. Có những lần giải cứu, rồi chăm sóc, nuôi nấng gắn bó cho đến khi động vật khỏe mạnh rồi thả về rừng, 2 chị không khỏi lưu luyến như vừa chia tay những đứa em, nhưng với tấm lòng của chị Tuyết và Bình thì để chúng trở về tự nhiên là giải pháp tôn trọng với tự nhiên và là cách tốt nhất cho cuộc đời của động vật.
Nhiệm vụ về bảo tồn môi trường
Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa Đà Nẵng cho biết, thời gian qua công tác tuần tra, phát hiện và giải cứu động vật hoang dã được đơn vị phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, các cá nhân, đội nhóm tăng cường triển khai. Qua đó tiến hành giải cứu và thả rất nhiều cá thể động vật hoang dã, về rừng tự nhiên tại tiểu khu 12 thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, trong đó gồm các cá thể thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm – nhóm IIB, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, cụ thể là các loài cầy vòi hương, rùa núi vàng, sóc vằn lưng, chim ri, chim sẻ, trăn đất… Ngoài những loại động vật được giải cứu trong tự nhiên cũng có rất nhiều loài được lực lượng chức năng phát hiện và tịch thu từ các cơ sở nuôi nhốt trái phép và các đối tượng bẫy bắt động vật hoang dã. Các cá thể được chăm sóc đến khi tình trạng sức khỏe tốt mới thả về thiên nhiên. Mới đây nhất nhóm Chung tay cứu hộ và bảo tồn động vật hoang dã Sơn Trà đã cùng Hạt Kiểm lâm Sơn Trà tiến hành cứu hộ một cá thể khi vàng bị thương lòi ruột. Sau khi tiếp nhận chú khỉ bị thương, bác sĩ thú y đã tiến hành các bước cứu chữa, kiểm tra tình trạng vết thương và xác định chú khỉ bị thương mạn sườn trái hở, bị lòi ruột, bị viêm dính. Các bác sĩ đã may kín vết thương và nhanh chóng cho chú khỉ nhập viện, cứu chữa và theo dõi chặt chẽ tiến trình hồi phục của cá thể khỉ.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn bán đảo Sơn Trà, tạo môi trường du lịch an toàn cũng như bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên quý hiếm, UBND TP Đà Nẵng đã giao trách nhiệm cho từng đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm; Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cam kết không buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật nguy cấp, quý hiếm; thông báo hành vi vi phạm tới các cơ quan chức năng để kịp thời xử phạt. Trên địa bàn quản lý, UBND quận Sơn Trà ra công văn yêu cầu các đơn vị tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức của người dân trong việc cấm săn bắt, bẫy, mua bán và có những hành động xâm hại đến động vật hoang dã ở khu vực bán đảo Sơn Trà; tập trung xử lý tình trạng động vật hoang dã tràn xuống đường, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động du lịch trên bán đảo Sơn Trà, tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ đa dạng sinh học cho du khách khi lên tham quan khu vực này…
Theo những nhà nghiên cứu tự nhiên, động vật hoang dã có cuộc sống và tính cách tuỳ theo loài mà chỉ số thông minh khác nhau, chúng sống cộng sinh và làm cân bằng hệ sinh thái cho con người. Do đó việc bảo tồn động vật tự nhiên không những là việc làm nhân văn mà còn ngăn chặn được nguy cơ tuyệt chủng của các hệ động vật quý hiếm. Ở góc độ tự nhiên, việc giữ gìn và bảo vệ hệ động thực vật của Sơn Trà không chỉ có ý nghĩa về mặt bảo vệ sự đa dạng sinh học, mà còn trực tiếp góp phần vào việc bảo vệ sinh cảnh lâu dài của một thành phố cảng có rừng tự nhiên phục vụ cho nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và sinh hoạt văn hoá.