Tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong nhiều năm qua song dường như Trung Quốc lại không chuẩn bị kỹ càng cho những kịch bản thời tiết khắc nghiệt. Trận lũ lụt kinh hoàng tuần qua cho thấy, Bắc Kinh cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn.
Trong bốn thập niên qua, Trung Quốc có tốc độ phát triển thần kỳ, biến những vùng nông thôn hiu quạnh thành các thành phố công nghiệp lớn, giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến các thành phố này không kịp thời thích ứng với hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.
Thiên tai khó lường
Tuần qua, thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam và một số thành phố khác ở miền Trung nước này đã phải hứng chịu một cơn bão lớn, gây trận lũ lụt kinh hoàng mà chính quyền địa phương mô tả là “nghìn năm có một”.
Trận lũ đã cướp đi tính mạng của ít nhất 69 người (số liệu ghi nhận ngày 26/7), khiến 7,5 triệu người bị ảnh hưởng và 1,5 triệu người phải sơ tán. Ước tính, trận lụt này gây thiệt hại đến hàng tỷ USD.
Tuy rằng không phải bất kỳ hiện tượng thời tiết cực đoan nào cũng liên quan trực tiếp đến biến đổi khí hậu, nhưng theo GS. Johnny Chan, chuyên gia về khoa học khí quyển tại Đại học Hong Kong (Trung Quốc) nhận định, trận lụt vừa qua ở Trung Quốc phản ánh đúng xu hướng khí hậu ấm lên, gây ra tình trạng thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra trên toàn cầu.
Gần đây, Đức và Bỉ, hai quốc gia phát triển ở châu Âu cũng phải hứng chịu một trận lũ lụt nghiêm trọng, khiến gần 200 người thiệt mạng. Trong khi đó, Siberia phải trải qua một đợt nắng nóng gay gắt, gây cháy rừng diện rộng.
Trung Quốc hằng năm đều hứng chịu lũ lụt, đặc biệt tại khu vực miền Trung và miền Nam. Đợt lũ lụt bất thường năm ngoái tàn phá nhiều khu vực trên khắp đất nước, khiến hơn 200 người chết, phá hủy 54.000 ngôi nhà và buộc hàng triệu người phải sơ tán.
Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 178,9 tỷ Nhân dân tệ (25,7 tỷ USD), cao hơn 15,9% mức trung bình thiệt hại do mưa lũ gây ra trong năm năm trước.
Lời hứa “nền văn minh sinh thái”
Trung Quốc là một trong những quốc gia phải chịu ảnh hưởng cực đoan do quá trình biến đổi khí hậu. Sách Xanh về Biến đổi khí hậu ở Trung Quốc năm 2020 chỉ ra, quá trình này ở Trung Quốc đang diễn ra nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác và tác động như mưa dữ dội, nắng nóng cực đoan, sông băng và băng vĩnh cửu tan biến – đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo đó, Trung Quốc đang nóng lên nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới, với mức tăng 0,24°C/thập niên kể từ năm 1951.
Hiện tượng mưa cực đoan ngày càng trở nên phổ biến, với số ngày mưa bão tăng 3,8% sau mỗi 10 năm. Trong giai đoạn từ 1980-2019, nước biển dâng với tốc độ 3,4 mm/năm, nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu cùng kỳ. Mực nước biển của Trung Quốc năm 2019 đã cao hơn 72mm so với mức trung bình giai đoạn 1993-2011.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đẩy mạnh quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian qua có nghĩa ngày càng có ít khu vực có thể hấp thụ nước mưa một cách an toàn, phá vỡ chu trình thuỷ văn tự nhiên.
Chính phủ Trung Quốc đang tìm các hướng giải quyết cho các vấn đề trên. Cụ thể, từ năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa sẽ xây dựng một “nền văn minh sinh thái” ở Trung Quốc. Ông cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên đặt chống biến đổi khí hậu thành vấn đề ưu tiên trong chính sách phát triển quốc gia.
Năm ngoái, khi phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Trung Quốc cam kết đẩy mạnh việc giảm lượng khí thải và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060. Trung Quốc hiện là nước phát thải carbon dioxide (CO2) lớn nhất thế giới, chiếm 28% lượng khí thải toàn cầu.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng gần gấp năm lần diện tích không gian xanh trong các thành phố. Năm 2016, Trịnh Châu và 15 thành phố khác đã được chọn để thí điểm chương trình mở rộng không gian xanh để giảm thiểu ngập lụt. Chương trình được gọi là “thành phố bọt biển”, chuyển nước mưa từ các không gian đô thị dày đặc vào các công viên và hồ, vừa để đẩy mạnh hấp thụ tự nhiên, vừa có thể tái sử dụng.
Ông Konstantinos Papadikis, Trưởng Khoa Thiết kế Đại học Xi’an Jiaotong-Liverpool ở thành phố Tây An nhận định, mặc dù sáng kiến “thành phố bọt biển” là một cách tiếp cận tuyệt vời để quản lý nước mưa, vẫn còn nhiều tranh cãi liệu nó có thể được coi là giải pháp hoàn chỉnh để quản lý rủi ro lũ lụt trong điều kiện khí hậu thay đổi hay không.
Các quan chức thành phố Trịnh Châu cũng cho biết, với trận mưa “nghìn năm có một” và lượng mưa 200mm đổ xuống trong một giờ, không có kế hoạch hay quy hoạch nào có thể lường trước được
Giống như các quốc gia khác, Trung Quốc đang phải thực hiện các nhiệm vụ không hề dễ dàng như giảm khí thải và chuẩn bị cho những tác động của sự nóng lên toàn cầu, nhằm xây dựng một kế hoạch phát triển bền vững trước những hậu quả của quá trình biến đổi khí hậu.