Đông Nam Á còn cơ hội cứu hổ?

Năm 2010, tại diễn đàn toàn cầu về bảo tồn hổ tổ chức tại Saint Petersburg, các bộ trưởng từ 13 quốc gia còn quần thể hổ ngoài tự nhiên đã cam kết thực hiện các biện pháp nhằm tăng gấp đôi số lượng mèo lớn vào năm 2022. Tuy nhiên, ở Đông Nam Á, khả năng đáp ứng được mục tiêu này khá xa vời bởi nhiều nơi có số lượng hổ còn ít hơn thời điểm cam kết.

Trong vài năm qua, hổ đã tuyệt chủng cục bộ ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Còn tại Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan trong hai thập kỷ qua cũng chứng kiến ​​số lượng hổ bị thu hẹp. Indonesia hiện chỉ còn chưa đầy 600 cá thể hổ Sumatra và chúng đang có xu hướng suy giảm khiến tình trạng trở nên cực kỳ nguy cấp. Do số lượng giảm mạnh kết hợp với sinh cảnh sống bị tàn phá bởi các hoạt động khai thác gỗ và mở rộng đồn điền trồng cọ dầu, gỗ bột giấy nên hiện chỉ còn hai quần thể trên đảo Sumatra có thể duy trì khả năng tồn tại lâu dài với hơn 30 cá thể cái sinh sản ở mỗi quần thể. Nhưng hiện cả hai quần thể này đều đang bị đe dọa nghiêm trọng do các dự án làm đường đã được quy hoạch. Ngoài ra, nạn săn trộm cũng là mối nguy với hổ Sumatra. Theo IUCN, ít nhất 50 cá thể hổ Sumatra đã bị giết ở Indonesia mỗi năm từ năm 1998 đến năm 2002 do nạn buôn bán bất hợp pháp và xung đột giữa người và hổ.

Một cá thể hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae). Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay

Xa hơn về phía bắc, hổ Mã Lai bám trụ trong những khu rừng bị chia cắt ở bán đảo Malaysia. Tuy nhiên, theo đánh giá của IUCN năm 2014, loài hổ này đã bị xếp ở mức cực kỳ nguy cấp với số lượng ước tính chỉ còn từ 80 đến 120 cá thể. Các mối đe dọa chính của chúng là mất môi trường sống và sinh cảnh bị phân mảnh do các dự án phát triển, mở rộng rừng trồng thương mại cũng như khai thác tài nguyên.

Cùng với việc mất môi trường sống, nạn đặt bẫy bừa bãi được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở lục địa Đông Nam Á. Theo WWF, ước tính có khoảng 12 triệu bẫy được giặt đặt khắp các khu bảo tồn ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Tuy nhiên, nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương tại một số khu vực đang tỏ ra hiệu quả, chủ yếu thông qua hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và gỡ bẫy thú.

Tại Thái Lan – nơi được coi là thành trì cuối cùng của loài hổ Đông Dương, một số biện pháp bảo vệ cũng mang lại kết quả nhất định. Hiện đất nước chùa vàng có ít hơn 200 cá thể hổ nhưng một số quần thể sinh sản đã được xác nhận. Chính khả năng bảo vệ mạnh mẽ kết hợp với việc kết nối môi trường sống đã giúp hổ phân bố rộng hơn trong các khu phức hợp giữa Thái Lan và Myanmar.

Bên cạnh bẫy thú, các trang trại hổ cũng là một mối đe dọa lớn khác đối với hổ hoang dã ở Đông Nam Á khi vừa làm suy yếu các nỗ lực bảo tồn, vừa thúc đẩy nạn buôn bán không ngừng các bộ phận của hổ. WWF ước tính hiện có khoảng 8.000 cá thể hổ được nuôi nhốt ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam, nơi chúng được sinh sản, nuôi dưỡng và bị giết thịt để lấy các bộ phận cơ thể. Một báo cáo năm 2019 của TRAFFIC cũng ước tính trung bình có 120 cá thể hổ mỗi năm bị những kẻ buôn lậu bắt giữ từ năm 2000 đến năm 2018 ở Đông Nam Á. Hơn một nửa số hổ bị thu giữ ở Thái Lan và 1/3 số hổ ở Việt Nam đến từ các cơ sở nuôi nhốt.

Trước thực trạng bi đát của hổ, các nhóm bảo tồn kêu gọi các chính phủ ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam loại bỏ dần các trang trại nuôi hổ và chấm dứt việc buôn bán các bộ phận của hổ, bất kể nguồn gốc từ tự nhiên hay nuôi nhốt.

Hội nghị Bộ trưởng châu Á về bảo tồn hổ sắp diễn ra tại Malaysia vào tháng 11/2021 sẽ giúp các nhà chức trách có cơ hội gia hạn các cam kết nhằm thúc đẩy số lượng hổ. Cuộc họp sẽ bao gồm các đề xuất nhằm tăng ngân sách cho các khu bảo tồn với các hoạt động tuần tra thực địa và bảo tồn chuyển vị, đưa hổ trở lại tự nhiên.

“Việc đưa hổ trở lại các nước Đông Nam Á đã mất nhiều hổ như Campuchia, Việt Nam và Lào, có thể là một quá trình lâu dài hơn. Nhưng chắc chắn là có thể nếu các cảnh quan rộng lớn có thể được bảo vệ, nạn săn bắn được kiểm soát và các quần thể con mồi được phục hồi. Cảnh quan rừng nhiệt đới và cảnh quan đồng bằng phía Đông Campuchia đều có tiềm năng thực sự cho việc này”, Thomas Gray, Trưởng nhóm cảnh quan và phục hồi hổ tại WWF cho biết.

Những gì hổ cần nhất lúc này là môi trường sống trong rừng đầy đủ, con mồi dồi dào và sự bảo vệ đáng tin cậy. Nếu những yếu tố này được đảm bảo thì ít nhất quỹ đạo của loài mèo lớn ở Đông Nam Á có thể sẽ đi đúng hướng vào thời điểm 2022.

Lan Nhi (Theo Mongabay)

Nguồn: