Nhận diện thách thức quản lý rừng cộng đồng

Theo hiện trạng rừng năm 2020, cả nước có hơn 1.166.470 ha rừng do cộng đồng dân cư quản lý. Ngoài các diện tích chính thức được giao, nhận khoán bảo vệ thì cộng đồng còn tham gia quản lý tài nguyên rừng một cách tự nguyện với những khu vực gắn với văn hóa, niềm tin, tín ngưỡng và bảo vệ nguồn nước của cộng đồng.

Tuy nhiên, mặc dù Luật Lâm nghiệp đã xếp hạng rừng thiêng, rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng vào rừng đặc dụng và ưu tiên giao cho cộng đồng địa phương quản lý, việc giao rừng và hỗ trợ cộng đồng quản lý rừng trên thực tế còn nhiều rào cản dẫn đến sự hạn chế trong việc tham gia quản lý rừng của người dân địa phương.

Nhằm nhận diện những thách thức và bài học kinh nghiệm trong quản lý rừng cộng đồng để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản lý tài nguyên rừng, ngày 30/7, Hội Lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) tổ chức Hội thảo “Quản lý rừng truyền thống: Bối cảnh, thách thức và giải pháp” với sự tham gia của hơn 20 đại biểu đến từ Hội chủ rừng Việt Nam; Đại học Lâm nghiệp Việt Nam; Hội khoa học Lâm nghiệp Đắk Lắk; Viện Dân tộc học; Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet); Trung tâm Nghiên cứu Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (RIC); Mạng lưới Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam (NTFPs-VN); Trung tâm vì sự phát triển bền vững Miền núi (CSDM); Đài truyền hình Đắk Lắk…

Các đại biểu thống nhất cho rằng quản lý rừng cộng đồng được đánh giá là có hiệu quả và cần phải được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, do chưa được thể chế hóa trong Luật Đất đai nên việc giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Hội chủ rừng Việt Nam đề nghị cần bổ sung vào Luật Đất đai đang sửa đổi nội dung “đất rừng tín ngưỡng nằm trong đất rừng đặc dụng và đất rừng tín ngưỡng được giao cho cộng đồng dân cư”. Bên cạnh đó, cần tổ chức thống kê, kiểm kê, điều tra, đánh giá hiện trạng rừng cộng đồng trên cả nước để xây dựng cơ sở dữ liệu rừng cộng đồng trong hệ thống FORMIS có khả năng cập nhật diễn biến rừng cộng đồng.

Ngoài ra, cần rà soát lại toàn bộ diên tích rừng cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; diện tích rừng đã giao cho cộng đồng nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng; diện tích rừng do cộng đồng tự công nhận và hiện đang sử dụng, trong đó, đối với diện tích rừng nằm trong diện tích đang được giao cho UBND xã quản lý thì tiến hành giao cho cộng đồng và làm các thủ tục đồng thời cấp quyền sử dụng đất và quyền sử dụng rừng, còn đối với diện tích rừng đã giao các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng thì tiến hành theo các phương án: làm các thủ tục trả lại địa phương để địa phương giao cho cộng đồng dân cư hoặc thực hiện liên kết bảo vệ rừng, đồng quản lý rừng để đảm bảo quyền chủ rừng của các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng rừng và quyền tiếp cận rừng như quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Lâm nghiệp.

Nguồn:
PanNature