Bộ Công Thương đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực nhằm giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực tiễn thi hành hiện nay.
Bộ Công Thương cho biết, Luật Điện lực được ban hành đã lâu (năm 2004) và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều, song nội dung sửa đổi bổ sung không nhiều (năm 2012 chủ yếu sửa đổi quy định về giá điện và phí, năm 2018 chủ yếu sửa đổi quy định về quy hoạch phát triển điện lực để phù hợp với Luật Quy hoạch). Do đó, cần tổng kết và đánh giá tổng thể các quy định tại Luật Điện lực so với sự phát triển thực tế của ngành năng lượng trong thời gian gần đây (có nhiều thay đổi lớn với sự tham gia nhiều hơn của các thành phần kinh tế tư nhân, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng như sự xuất hiện của các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng nhiều) để đảm bảo việc nghiên cứu đề xuất chính sách sửa đổi quy định tại Luật Điện lực phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Trong thực tiễn thi hành hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được và cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành hiện đang thiếu cơ sở pháp lý tại Luật Điện lực.
Bên cạnh đó, điện lực là lĩnh vực tương đối phức tạp, có sự liên quan đến nhiều pháp luật khác, trong khi đó, Luật Điện lực được ban hành cách đây hơn 15 năm, nên khó tránh khỏi một số nội dung tại Luật Điện lực đã lỗi thời hoặc có sự chồng chéo với pháp luật khác. Do đó, cần rà soát quy định tại Luật Điện lực để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Mục tiêu xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực là hoàn thiện Luật Điện lực nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của nền kinh tế – xã hội; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
Đồng thời đổi mới các nội dung quy định tại luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả trong thực thi pháp luật về điện lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng, tiến tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của các hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.
Xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững, đồng thời, hoàn thiện quy định để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong quá trình sử dụng điện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho gia đình và xã hội.
Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của nhà máy thủy điện, đặc biệt là an toàn đập và hồ chứa thủy điện, góp phần tích cực trong công tác phòng chống lũ lụt, điều tiết nguồn nước nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đơn vị điện lực, giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp có liên quan, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Trong đề nghị xây dựng luật, Bộ Công Thương đánh giá tác động của 6 chính sách: 1- Hoàn thiện quy định về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; 2- Hoàn thiện các quy định về tiết kiệm điện và thực hiện điều chỉnh phụ tải theo yêu cầu của hệ thống điện; 3- Hoàn thiện các quy định về quản lý, vận hành hệ thống điện và đảm bảo chất lượng điện năng; 4- Hoàn thiện các quy định về giá điện phù hợp với các thay đổi về cấu trúc ngành điện đáp ứng yêu cầu của thị trường điện lực cạnh tranh và theo thực tiễn thi hành; 5- Hoàn thiện các quy định về Giấy phép hoạt động điện lực đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn thi hành; 6- Hoàn thiện các quy định về an toàn điện và an toàn đập thủy điện, hồ chứa thủy điện.
Mời bạn đọc xem toàn văn hồ sơ đề nghị xây dựng Luật và góp ý tại đây.