Trước sự mất mát của đa dạng sinh học, sự suy thoái của các hệ sinh thái, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân. Trên hành trình đảo ngược đà suy thoái đó, Việt Nam không thể “đi một mình”; phải cùng hội nhập với quốc tế để vững bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái.
Chiều ngày 28/7, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng tham dự, có đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện Tổng cục Môi trường, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT trong Ban soạn thảo.
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Theo lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nền tảng của Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với sự nỗ lực từ Trung ương đến địa phương cùng các tổ chức, cá nhân, đến nay, nhiều kết quả trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã được ghi nhận. Cụ thể, hệ thống các khu bảo tồn, khu có danh hiệu quốc tế được thành lập và củng cố. Đến năm 2020, trên cả nước, đã thành lập mới 9 khu bảo tồn (KBT), nâng tổng số khu bảo tồn hiện có lên 176 khu với tổng diện tích 2.512.530,78 ha. 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích là 187.810,93 ha, chiếm 0,19 diện tích vùng biển Việt Nam. Đã thành lập 3 hành lang đa dạng sinh học tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị với tổng diện tích 521.878,28 ha.
Trong giai đoạn này, Việt Nam đã đề cử và công nhận thêm 4 khu Ramsar, nâng tổng số 9 khu Ramsar được quốc tế công nhận; có thêm 5 Vườn di sản ASEAN, nâng tổng số 10 khu Vườn di sản ASEAN; thêm 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, nâng tổng số 9 khu được công nhận. Các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái đã được chú trọng phục hồi. Độ che phủ rừng đạt 42%. Doanh thu từ dịch vụ chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện chiếm 22% tổng mức đầu tư hàng năm của toàn xã hội trong ngành lâm nghiệp…
Giai đoạn mới – Quan điểm mới – Hành động mới
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế cho thấy, đa dạng sinh học vẫn đang trên đà suy giảm, hệ sinh thái bị suy thoái, số lượng các loài bị đe dọa gia tăng.
Khắc phục tình trạng này, dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030 được xây dựng dựa trên quan điểm: Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng – nền tảng để bảo đảm phát triển bền vững đất nước; Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong các giải pháp then chốt nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.; Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; Bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học…
Các hoạt động sẽ được chú trọng như kiểm kê, quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; Bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên thông qua việc củng cố, mở rộng và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên và hành lang đa dạng sinh học; củng cố và mở rộng các khu vực/hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; phục hồi và cải thiện chất lượng các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; áp dụng các biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực đa dạng sinh học cao ngoài khu bảo tồn.
Mặt khác, bảo tồn các loài hoang dã, đặc biệt các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn chuyển vị các nguồn gen; sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Kiểm soát các hoạt động gây tác động xấu đến đa dạng sinh học như: Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, phương thức canh tác, khai thác kém bền vững và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; Kiểm soát nạn khai thác, buôn bán và tiêu thụ động, thực vật hoang dã; Ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; tăng cường quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen…
Góp ý vào dự thảo Chiến lược này, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng, Khung Chiến lược toàn cầu về đa dạng sinh học toàn cầu sau năm 2020 sẽ được thông qua vào tháng 10/2021 là kim chỉ nam cho các hoạt động bảo tồn của thế giới trong 10 năm tới. Chung định hướng đó, Việt Nam sẽ cùng chung hành động để hướng đến một tương lai xanh hơn, bền vững hơn, chú trọng đến nhóm người dễ bị tổn thương. Vì vậy, trong Chiến lược mới của Việt Nam, cần thể hiện được “hơi thở mới” của công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Nhấn mạnh đến tính mới, điểm đột phá của Chiến lược giai đoạn 10 năm tới sẽ khởi sắc hơn so với Chiến lược giai đoạn vừa qua, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng, Chiến lược cũng cần phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, mạnh dạn mở rộng cho khối tư nhân tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Ghi nhận các ý kiến này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu, đơn vị soạn thảo tiếp thu và nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Chiến lược.
Thứ trưởng lưu ý, việc xây dựng Chiến lược này dựa trên căn cứ là Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường 2020, các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thực trạng đa dạng sinh học của Việt Nam.
Quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học phải song hành với nhiệm vụ xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, là cơ sở cho các quy hoạch có liên quan như đất đai, biển,…
Theo Thứ trưởng, công tác bảo tồn đa dạng sinh học là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi tổ chức, cá nhân. Trên hành trình đảo ngược đà suy thoái đó, Việt Nam không thể “đi một mình”; phải cùng hội nhập với quốc tế để vững bước vào Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái.