Trong khuôn khổ nhóm công tác về Nghề cá và Đại dương (OFWG) thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), trong hai ngày 27-28/7, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo trực tuyến về thúc đẩy các mô hình sáng tạo trong giảm thiểu và quản lý rác thải đại dương từ đất liền vì sự phát triển bền vững.
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng gần 200 đại biểu là các quan chức, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp của 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Uỷ ban Kinh tế-Xã hội châu Á–Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP); Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP); Ngân hàng Thế giới (WB); Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và đặc biệt là đông đảo đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường của 28 tỉnh, thành phố ven biển của Việt Nam.
Hội thảo tập trung thảo luận các chủ đề: Rác thải đại dương từ đất liền – thách thức toàn cầu đối với phát triển bền vững; Các kinh nghiệm và bài học trong giảm thiểu và quản lý rác thải đại dương từ đất liền; Các giải pháp và mô hình sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm đại dương do rác thải cứng và Tầm nhìn APEC sau 2020: quan hệ đối tác mới vì các đại dương bền vững.
Các đại biểu chia sẻ nhận định, 80% rác thải đại dương có nguồn gốc từ đất liền và các hành vi của con người, cùng với việc xả thải từ các bãi rác gần bờ biển và bờ sông là các tác nhân chính biến rác thải đại dương thành một cuộc “khủng hoảng” ở tầm toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mục tiêu phát triển bền vững.
Đại dịch Covid-19 đồng thời góp phần khiến “cuộc chiến” chống lại rác thải biển trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, chủ yếu do sự gia tăng trong sử dụng thải bỏ các thiết bị y tế bảo hộ dùng một lần như khẩu trang. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển do sự thiếu hụt một hệ thống quản lý chất thải hiệu quả và các cơ sở thu gom và xử lý chuyên biệt.
Đại diện các nền kinh APEC đã chia sẻ về các kinh nghiệm thực tiễn, các thông lệ tốt, các mô hình và các chiến lược hành động quốc gia trong thúc đẩy việc ngăn ngừa, xử lý và thu gom rác thải đại dương, nổi bật là vai trò của các chủ thể phi quốc gia, đóng góp của các doanh nghiệp trong việc tái chế các sản phẩm từ rác thải nhựa, vai trò của công nghệ sáng tạo trong quản lý rác thải và loại bỏ ô nhiễm nhựa; các công nghệ tái chế trong xử lý rác thải hướng tới nền kinh tế tuần hoàn…
Hội thảo cũng tập trung đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh các nỗ lực, biện pháp ở tầm khu vực và toàn cầu nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rác thải đại dương có nguồn gốc từ đất liền, hướng tới Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về một khu vực châu Á–Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.
Đại diện các nền kinh tế APEC đều đánh giá cao sự chủ động và đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc góp phần tăng cường hợp tác APEC về bảo vệ hệ sinh thái biển và đại dương và triển khai Lộ trình APEC về rác thải đại dương.
Các đại biểu quốc tế quan tâm và đánh giá cao Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Việt Nam với mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương đến năm 2025 và 75% đến năm 2030.
Hội thảo là sáng kiến hết sức có ý nghĩa của Việt Nam, góp phần triển khai chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo APEC tại cuộc họp không chính thức của các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC, được tổ chức ngày 16/7 vừa qua, cũng như các ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2021 về thúc đẩy phục hồi thông qua tăng cường phát triển bao trùm và bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Sáng kiến được sự đồng bảo trợ của 10 nền kinh tế thành viên APEC là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Australia, Chile, Peru, Đài Bắc (Trung Hoa).