Các nhà nghiên cứu đã phát triển một công cụ đánh giá các chợ bán động vật hoang dã nhằm tìm hiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật, qua đó có thể giúp chính phủ đưa ra những chương trình hành động với yêu cầu nghiêm ngặt về thú y và hiệu quả hơn các lệnh cấm vẫn áp dụng.
Ngày Bệnh truyền nhiễm thế giới, ngày 6/7 hằng năm, là ngày kỉ niệm Louis Pasteur lần đầu tiên thử nghiệm thành công vaccine phòng bệnh dại trên người. Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, chúng ta cần có các biện pháp tích cực hơn để dập tắt các đợt bùng dịch truyền nhiễm từ động vật sang người trong tương lai.
Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa con người và động vật. Từ SARS, MERS đến Ebola, rất nhiều dịch bệnh do virus lan truyền có nguồn gốc từ động vật. Theo một báo cáo của Hội đồng Đa dạng sinh học thế giới, có tới 1,7 triệu virus chưa được phát hiện trong thế giới động vật, 827.000 trong số đó có thể lây nhiễm sang người. Khi con người ngày càng tiếp xúc gần hơn với động vật hoang dã thì COVID-19 có lẽ không phải là đại dịch cuối cùng ở thế giới toàn cầu hóa này.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, nhiều người đã kêu gọi quản lý chặt chẽ hoặc cấm hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã. Các chợ bán động vật hoang dã được coi là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh vì nhiều loài động vật khác nhau được nuôi nhốt gần nhau, tạo điều kiện cho các loại virus nguy hiểm dễ dàng lây lan. Khi xác định rõ virus SARS CoV-2 có nguồn gốc từ động vật, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi đóng cửa các chợ động vật hoang dã, đặc biệt phổ biến ở châu Á và châu Phi.
Trung Quốc, quốc gia đang phải đối mặt với những lời chỉ trích đặc biệt, đã tạm thời cấm toàn bộ hoạt động buôn bán động vật hoang dã từ tháng 1/2020 đến khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Cuối cùng, lệnh cấm này đã không kéo dài quá lâu. Hiện nay các chợ đã mở cửa trở lại một phần tuy nhiên, hoạt động buôn bán thực phẩm và động vật hoang dã đã giảm đáng kể.
Các loài động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng về mặt văn hóa, truyền thống và thậm chí là dinh dưỡng với nhiều người. Nhìn chung, các kế hoạch cấm buôn bán hoặc tiêu thụ động vật hoang dã không đi vào thực tế. Bên cạnh đó, rất khó để giám sát việc thực thi các lệnh cấm nghiêm ngặt, đặc biệt là ở những vùng có cơ sở hạ tầng hoặc quản trị yếu kém.
Việc đưa ra các yêu cầu vệ sinh, hoặc các tiêu chuẩn thú y trong buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã có thể là một chiến lược hiệu quả hơn. Nó cũng mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về những nguồn nguy cơ tiềm ẩn. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã làm việc với các nhà khoa học từ Hồng Kông để phát triển một công cụ đánh giá các chợ động vật hoang dã nhằm tìm hiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật trong tương lai. Nhóm tác giả đã công bố một ma trận rủi ro trên tạp chí One Health để phân tích các chợ động vật hoang dã ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Họ đã tìm hiểu tình trạng buôn bán ở từng chợ, số lượng loài hoặc số lượng động vật hoang dã.
Họ đã khảo sát 46 chợ động vật hoang dã ở Lào và Myanmar trong một khoảng thời gian dài và thấy rằng nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở các khu chợ này đều ở mức cao.
Theo WWF, hằng năm khu vực này buôn bán hàng triệu động vật hoang dã để làm thực phẩm hoặc sử dụng trong y học cổ truyền, bao gồm lợn rừng, hươu, các loài gặm nhấm và dơi – vốn được coi là ổ chứa nhiều loại mầm bệnh. Mặc dù lợn rừng và hươu cũng được tiêu thụ ở Đức, nhưng Stefan Ziegler, cố vấn bảo tồn cao cấp khu vực châu Á của WWF và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết “việc buôn bán những sản phẩm này phải tuân theo các quy định thú y nghiêm ngặt” . □
Thanh An dịch
Nguồn: https://www.dw.com/en/how-identifying-hotspots-of-zoonotic-disease-could-prevent-another-pandemic/a-58167867