Ấn Độ trên tuyến đầu của biến đổi khí hậu

Những vùng đầm lầy ở Ấn Độ đang phải chống chọi với lũ lụt và lở đất chết người sau những trận mưa lớn do gió mùa, ví dụ mới nhất cho thấy đất nước rộng lớn nhất Nam Á đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu.

Lũ lụt tại Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Lũ lụt thường xảy ra trong mùa gió mùa ở Ấn Độ nhưng biến đổi khí hậu đang làm cho gió mùa mạnh hơn, theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam.

Chỉ trong bảy tháng đầu năm nay, quốc gia nghèo đói với 1,3 tỷ dân này đã trải qua hai cơn lốc xoáy, một vụ sập sông băng chết người trên dãy Himalaya, một đợt nắng nóng gay gắt và những trận lũ lụt kinh hoàng.

Vào tháng 2, một trận lũ quét dữ dội đã ập xuống một thung lũng hẻo lánh thuộc dãy Himalaya của Ấn Độ, cuốn trôi nhà cửa, một nhà máy thủy điện và khoảng 200 người. Chỉ có 60 thi thể đã được tìm thấy.

Các chuyên gia tin rằng nguyên nhân là do một đoạn sông băng khổng lồ, dài tương đương 15 sân bóng đá đã vỡ ra ở trên núi cao.

Một nhà băng học đã điều tra địa điểm này nói rằng thảm họa này “rõ ràng là hậu quả của biến đổi khí hậu và bản thân nó là một câu chuyện về tương lai của chúng ta”.

Trên dãy Himalaya của Ấn Độ, khoảng 10.000 sông băng đang rút đi với tốc độ từ 30m đến 60m (100 đến 200 feet) mỗi thập kỷ khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Năm 2013, một trận lũ quét ở cùng khu vực đã giết chết 6.000 người.

Nhiều lốc xoáy

Lốc xoáy không phải là hiện tượng hiếm gặp ở phía bắc Ấn Độ Dương nhưng các nhà khoa học cho biết chúng ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ nước biển tăng lên.

Vào tháng 5, cơn bão Tauktae đã cướp đi sinh mạng của 155 người ở miền tây Ấn Độ, trong đó có hàng chục người đang làm việc trên các giàn khoan dầu ngoài khơi Mumbai. Đây là cơn bão dữ dội nhất đổ bộ vào khu vực này trong vài thập kỷ.

Chỉ một tuần sau, bão Yaas với sức gió tương đương bão cấp hai, đã giết chết ít nhất 9 người và buộc hơn 1,5 triệu người phải sơ tán ở phía đông.

Với những đợt sóng cao tới vài mét, hàng trăm nghìn người đã bị mất nhà.

Nhiệt độ nóng hơn

Nhiệt độ trung bình của Ấn Độ đã tăng khoảng 0,7 độ C từ đầu thế kỷ 20 đến năm 2018. Dự kiến nhiệt độ sẽ tăng thêm 4,4 độ nữa vào năm 2100, theo một báo cáo gần đây của chính phủ.

Vào đầu tháng 7, hàng chục triệu người đã bị sốc nhiệt chỉ trong đợt nắng nóng mới nhất trên khắp miền bắc Ấn Độ.

Cơ quan thời tiết của Ấn Độ đã liên tục thông báo về các đợt nắng nóng diễn ra gần như hàng năm trong thập kỷ qua với nhiệt độ đôi khi chạm ngưỡng 50 độ C.

Tờ Hindustan Times đưa tin, các đợt nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của hơn 17.000 người ở Ấn Độ kể từ năm 1971, theo các nhà khí tượng học hàng đầu.

Hiện chỉ có 5% hộ gia đình Ấn Độ có điều hòa.

Tuy nhiên, thị trường này được dự báo sẽ bùng nổ trong những năm tới, thúc đẩy tiêu thụ năng lượng ở nước phát thải carbon lớn thứ ba thế giới.

Bão lũ

Những trận mưa xối xả đã đổ xuống bờ biển phía Tây của Ấn Độ trong vài ngày qua, gây ra lở đất và sạt lún, khiến hơn 75 người chết và hàng chục người mất tích.

Khu nghỉ mát trên sườn đồi của Mahabaleshwar được báo cáo đã chứng kiến ​​lượng mưa tới gần 60 cm trong khoảng thời gian 24 giờ.

Khu nghỉ mát lân cận bang Goa cũng đang quay cuồng trong trận lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Lũ lụt và lở đất thường xảy ra trong thời điểm gió mùa nguy hiểm của Ấn Độ, thường khiến cơ sở hạ tầng vốn yếu kém của đất nước chịu nhiều ảnh hưởng.

Nhưng biến đổi khí hậu đang làm cho gió mùa mạnh hơn, theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam vào tháng 4.

Viện cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với lương thực, nông nghiệp và nền kinh tế ảnh hưởng đến gần 1/5 dân số thế giới.

 

Gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 cũng mang đến nguy hiểm từ bầu trời. Năm 2019, sét đánh đã giết chết gần 3.000 người Ấn Độ. Đầu tháng này, 76 người đã thiệt mạng do sét đánh.

Nhưng các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu có thể làm cho sét xảy ra thường xuyên hơn. Một nghiên cứu gần đây cho biết sấm sét đã tăng 34% trong năm qua.

Vào tháng 5, sét được cho là nguyên nhân gây ra cái chết của ít nhất 18 con voi ở Assam.