Một bộ xương hóa thạch 150 triệu năm phát hiện ở vùng núi bắc Chile được xác định là tổ tiên loài cá sấu hiện đại.
Reuters đưa tin, theo công bố từ Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina (MACN) ở thủ đô Buenos Aires, bộ xương hóa thạch niên đại 150 triệu năm thuộc về một loài cá sấu tiền sử có tên là Burkesuchus mallingrandensis.
Các nhà nghiên cứu đến từ Argentina và Chile đã tìm thấy hóa thạch quý hiếm này từ năm 2014 trong một mỏ hóa thạch ở dãy núi Andes, gần thị trấn Mallin Grande của Chile. Kể từ đó, nó đã được mang ra nghiên cứu, phân tích tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina.
Bảo tàng cho biết mẫu vật là “ông tổ” của cá sấu hiện đại và sẽ giúp các nhà khoa học hiểu được cách chúng đã tiến hóa trong suốt chiều dài lịch sử.
Các nhà khoa học tin rằng hóa thạch sẽ giúp họ hiểu được cách loài bò sát này chuyển từ cuộc sống trên cạn sang sống dưới nước. Cùng với các hóa thạch khác, phát hiện này củng cố cho quan điểm rằng Nam Mỹ là cái nôi tiến hóa của loài cá sấu.
Khoảng 200 triệu năm trước, “cá sấu nhỏ hơn và không sống trong nước. Các nhà cổ sinh vật học luôn muốn biết quá trình chuyển đổi đó diễn ra như thế nào” – Federico Agnolin, một trong số các nhà khoa học tìm thấy mẫu vật, cho hay.
Ông Agnolin cũng cho biết: “Những gì thấy được ở Burkesuchus là một loạt đặc điểm độc đáo không có ở bất kỳ loài cá sấu nào khác vì chúng là loài đầu tiên bắt đầu chuyển xuống sống trong môi trường nước”.
Theo Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina, cá sấu xuất hiện vào đầu kỷ Jura, trùng với khoảng thời gian của loài khủng long đầu tiên. Trong vài triệu năm, chúng chuyển xuống nước nhờ sự tồn tại của các vùng biển nông và ấm. Nam Mỹ được biết đến với sự phong phú về hóa thạch cá sấu biển.