Trung Quốc mở cửa thị trường mua bán phát thải carbon lớn nhất thế giới

Quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới vừa mở cửa thị trường phát thải carbon quốc gia đầu tiên của mình.

Cơ chế định giá và mua bán mức phát thải carbon đã tồn tại ở khoảng 45 quốc gia, nhưng thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới.

Các quy tắc và quy định đối với thị trường này có hiệu lực từ tháng Hai nhưng đến ngày 16/7, thị trường mới chính thức mở cửa giao dịch.

Một nhà máy nhiệt điện than ở Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc.

Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm thị trường mua bán phát thải carbon vào năm 2013 tại bảy khu vực thí điểm ở một số thành phố, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Thị trường của Trung Quốc dựa trên mô hình “giới hạn và mua bán phát thải”: các nhà phát thải được phép phát thải trong một giới hạn nhất định (giới hạn phát thải), và sau đó phải mua thêm quyền phát thải nếu muốn phát thải vượt quá giới hạn này, hoặc bán quyền phát thải cho các nhà phát thải khác nếu vẫn còn thừa giới hạn phát thải (mua bán phát thải).

Hiện tại, thị trường chỉ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng than và khí đốt, nhưng Trung Quốc đã có kế hoạch mở rộng thị trường sang các ngành xây dựng, dầu khí và hóa chất trong những năm tới.

Giới hạn phát thải ban đầu của một công ty được tính toán dựa trên cả sản lượng năng lượng và cường độ phát thải của hoạt động sản xuất hiện tại, vốn tùy thuộc vào các yếu tố như loại than và thiết bị mà họ sử dụng, Brad Kerin, tổng giám đốc tại Viện Thị trường Carbon ở Melbourne, Úc, cho biết. Mỗi năm, giới hạn được tính toán lại và giảm xuống, thúc đẩy hiệu suất sản xuất năng lượng cao hơn thông qua việc bắt buộc các công ty giảm lượng khí thải trên mỗi đơn vị năng lượng mà họ sản xuất – Kerin nói.

Theo Yan Qin, nhà kinh tế và nhà phân tích carbon tại Refinitiv, một công ty toàn cầu cung cấp dữ liệu về thị trường tài chính, “Đó là cốt lõi của kế hoạch thị trường phát thải: tạo động lực sản xuất năng lượng hiệu quả hơn, ít phát thải carbon hơn”. Các công ty có thể nâng cấp trang thiết bị để sản xuất hiệu quả hơn, hoặc sẽ phải bỏ tiền mua quyền phát thải để bù cho mức phát thải quá giới hạn.

Vấn đề đối với Trung Quốc là nền kinh tế của nước này dự kiến sẽ tăng trưởng 4–5% mỗi năm, đồng nghĩa với việc tăng đáng kể mức tiêu thụ điện và theo đó là lượng khí thải, Qin nói.

Chính vì thế, Trung Quốc sử dụng mua bán phát thải dựa trên cường độ phát thải, chứ không phải lượng phát thải ròng như Liên minh châu Âu, Canada hay Argentina. Điều này cho phép mở rộng sản xuất điện và phát triển kinh tế đồng thời vẫn “giảm lượng phát thải carbon trên một đơn vị sản lượng kinh tế”, Jian Mo, nhà kinh tế học tại Trung tâm Chính sách năng lượng và môi trường thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, Bắc Kinh, cho biết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lo ngại các giới hạn cường độ phát thải ban đầu đang quá hào phóng, giá mua thêm quyền phát thải quá thấp và các mức phạt đối với các vi phạm vẫn chưa đủ nghiêm khắc để răn đe.

Theo Qin, việc khởi động thị trường với các giới hạn tương đối “mềm” có thể là một bước nhượng bộ các nhà sản xuất điện và ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch. “Chúng ta cần các nhà sản xuất nhiệt điện, nhưng sau một vài năm, các giới hạn phải được thắt chặt hơn”, Qin nói.

Frank Jotzo, nhà kinh tế môi trường và giám đốc Trung tâm Chính sách Khí hậu và Năng lượng tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, cho rằng đây dù sao đây cũng là một dấu hiệu tích cực cho thấy kế hoạch mua bán phát thải của Trung Quốc đã bắt đầu. “Nó không có khả năng ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát thải hiện tại, tuy nhiên, nó thiết lập cơ sở hạ tầng có thể được sử dụng trong tương lai để giảm phát thải một cách hiệu quả trong ngành điện của Trung Quốc”, Jotzo nói.

Trung Quốc đang sử dụng các cơ quan độc lập để xác minh dữ liệu từ các công ty – tương tự như EU: các công ty gửi báo cáo phát thải hằng năm, và báo cáo này phải được cơ quan xác minh độc lập công nhận. Trung Quốc cũng khuyến khích người dân và phương tiện truyền thông để mắt và báo cáo các vi phạm.

Năm 2019, Trung Quốc chịu trách nhiệm cho 27% lượng khí thải carbon toàn cầu – hơn 10 tỷ tấn carbon dioxide. Tuy nhiên, lượng phát thải bình quân đầu người của Trung Quốc – khoảng 6,8 tấn CO2 / người – vẫn thấp hơn một nửa so với các quốc gia như Mỹ, Úc và Canada. Quốc gia này đặt mục tiêu đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và đưa lượng phát thải ròng về 0 vào năm 2060.

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-021-01989-7; https://www.bloomberg.com/news/articles/2021-07-16/top-polluter-china-launches-trading-in-biggest-carbon-market