Một đợt hạn hán kéo dài 2 tuần đã giết chết hàng nghìn con hồng hạc sống ở hồ Tuz – hồ lớn thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Daily Mail, hồ Tuz là nơi sinh sống của một quần thể hồng hạc khổng lồ, có thể sinh ra tới 10.000 con hồng hạc mỗi năm. Hồ nằm trong một lưu vực khép kín được gọi là lưu vực Konya, thuộc địa phận ba tỉnh: Ankara, Konya và Aksarayn.
Hồ Tuz là một trong những hồ muối mặn nhất trên thế giới. Do độ mặn cao nên nơi đây có tới 3 mỏ khai thác muối, chiếm 63% nguồn cung của Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2000, UNESCO tuyên bố hồ Tuz là một khu bảo tồn đặc biệt của tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận với Reuters rằng, có khoảng hơn 1.000 con hồng hạc đã chết, nhưng phần lớn là con non và nguyên nhân là do chúng quá bé để có thể bay đi tìm những khu vực có nước.”Chúng tôi đã quan sát thấy những con hồng hạc chết là do chúng không thể bay. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, không có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp nào giữa sự cố này với các giếng trong khu vực hoặc hệ thống tưới tiêu nông nghiệp”, quan chức này cho biết.
Tuy nhiên, các nhà môi trường học từ Tổ chức Chống Xói mòn Đất Thổ Nhĩ Kỳ (TEMA) lại cho rằng, biến đổi khí hậu và các phương pháp tưới tiêu nông nghiệp là nguyên nhân gây ra sự khô hạn thảm khốc của hồ Tuz.
Nhà bảo vệ môi trường và nhiếp ảnh gia động vật hoang dã Fahri Tunc thông tin, nguồn nước từ một con kênh dẫn vào hồ Tuz đã được chuyển hướng để canh tác thay vì tiếp tục cung cấp nước cho hồ.
Chủ tịch Hiệp hội Thiên nhiên Dicle Tuba Kilic cho hay, cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng chết hàng loạt của hồng hạc là thay đổi các phương pháp tưới tiêu nông nghiệp trong khu vực.