Trước diễn biến dịch phức tạp, lây lan nhanh và khó kiểm soát, các đại biểu Quốc hội đề xuất Quốc hội ban bố trình trạng khẩn cấp để có thêm nhiều giải pháp phòng, chống Covid-19.
Kết quả thực hiện kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp 6 tháng cuối năm được các đại biểu Quốc hội dành một buổi thảo luận tại tổ vào chiều 22/7. “Dịch Covid-19” là vấn đề được hầu hết đại biểu Quốc hội nhắc tới trong các bài phát biểu của mình.
Quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp
Với lo lắng khi dịch diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều đại biểu đề cập tới vấn đề Quốc hội nên ban bố trình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM) nhận định cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng chưa yên tâm về hành lang pháp lý trong phòng, chống dịch.
“Cứ nói thực hiện theo Chỉ thị 15, 16 nhưng nhiều cán bộ chưa nhận thức hết, mỗi địa phương áp dụng khác nhau nên cần có quy định trong luật Phòng chống các bệnh dịch truyền nhiễm”, ông Tạo nói.
Vị đại biểu đề nghị nâng cấp pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành luật để có hành lang pháp lý tốt hơn cho thực hiện nhiệm vụ chống dịch.
Chung góc nhìn, đại tá Nguyễn Tâm Hùng (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông cho rằng Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Đại tá Hùng thông tin có 3 tình trạng khẩn cấp gồm: Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia, tình trạng khẩn cấp về thiên tai và dịch bệnh.
“Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp sẽ có thêm nhiều giải pháp để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, việc mua vật tư y tế, sinh phẩm cũng không phải thông qua đấu thầu”, đại tá Hùng nhận định.
Tại tổ TP.HCM, các đại biểu địa phương đều chia sẻ trăn trở trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhận định chiến lược vaccine là chìa khóa thoát khỏi dịch bệnh, cần sớm tiêm chủng rộng rãi cho toàn dân. Vì thế, nữ đại biểu Quốc hội đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vaccine.
Chia sẻ lo lắng về những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng và tử vong, bà Lan qua đó phản ánh một thực tế là tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị y tế. Trong khi đó, các đơn vị y tế lại không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì nhận tiền rất rủi ro, nhiều khi không nắm được quy định nên không dám giải ngân.
Cũng bày tỏ trăn trở khi hàng trăm ca mắc Covid-19 tại TP.HCM đã tử vong, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM) góp ý cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính để nhanh chóng đưa vắc xin nội vào sử dụng.
Đại biểu Nguyễn Văn Quân (Giám đốc Sở Tư pháp Hậu Giang) nhắc lại đợt dịch lần đầu tiên đã được kiểm soát bằng các biện pháp quyết liệt, nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, kinh tế đã phục hồi nhanh. Nhưng đợt dịch này rất lâu và dai dẳng.
Ông đồng tình với thực hiện “mục tiêu kép”, song “chống dịch như chống giặc”, nên đại biểu đề nghị ưu tiên chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân. “Giặc còn quanh ta thì làm sao phát triển kinh tế được”, ông Quân nói và đề nghị sớm tiêm vaccine toàn dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
Cần gói hỗ trợ lớn hơn, đặc biệt hơn
Đại biểu Nguyễn Văn Cường (Hà Nội) nêu bối cảnh 6 tháng qua, chúng ta phải đối mặt 2 đợt dịch rơi đúng vào 2 thời kỳ cao điểm phát triển kinh tế.
Đợt 1 là Tết nguyên đán – cao điểm tiêu dùng, du lịch. Đợt dịch lần thứ hai rơi vào những vùng trọng điểm như các khu công nghiệp, các đô thị lớn như TP.HCM – những nơi rất nhạy cảm về kinh tế.
Tuy vậy, kết quả đạt được 6 tháng rất khả quan với GDP 5,64%, CPI 1,47%, thu ngân sách 58,3%. Theo ông Cường, đây là 3 con số rất ấn tượng, cho thấy mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch, kinh tế vẫn đang đà đi lên.
“Khống chế dịch tốt và không để dịch lây lan, tôi kỳ vọng sẽ giữ được đà tăng trưởng kinh tế như vừa qua”, ông Cường nêu lý do ủng hộ Chính phủ tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch.
Nhắc đến báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ông Cường cảnh báo nếu không cẩn trọng, chúng ta sẽ bị lỡ nhịp vì kinh tế thế giới đang có xu hướng phục hồi rất nhanh.
Vì thế, vị đại biểu góp ý trong giai đoạn tới, Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn. “Chúng ta rất cần các gói hỗ trợ không phải dạng ‘hà hơi, thổi ngạt’ như vừa qua, không phải chỉ để doanh nghiệp không bị chết hay người dân không thiếu đói, mà phải có các gói hỗ trợ để tạo ra bứt phá của doanh nghiệp.
Ông Cường phân tích khi doanh nghiệp có được nguồn lực tốt, chúng ta sẽ có cơ hội để thâu tóm, thay thế các xu hướng đang bị đứt gãy.
“Số ca mắc mới hay tử vong khi chữa trị Covid-19 là một chuyện, nhưng hàng nghìn doanh nghiệp hay hàng triệu người lao động đang khốn khổ vì giãn cách xã hội là chuyện đáng lo”, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, đặt vấn đề.
Ông cho rằng để doanh nghiệp gượng dậy thì cần gói hỗ trợ đặc biệt hơn so với năm 2020. Thay vì gói 26.000 tỷ như vừa qua, cần tung một gói hỗ trợ lớn giúp doanh nghiệp trên cả nước đang bị ảnh hưởng sẽ có cơ hội phục hồi.
Đánh giá việc triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch còn chậm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị có giải pháp để tiền nhanh chóng đến tay người cần hỗ trợ.
Với diễn biến phức tạp của đợt dịch lần thứ tư khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ông Hiển cho rằng gói hỗ trợ lần thứ 4 phải đủ lớn để vực dậy các doanh nghiệp, đó mới là “liều vaccine” cho doanh nghiệp.