Đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Mỹ John Kerry đã kêu gọi Trung Quốc hợp tác với Mỹ để cắt giảm khẩn cấp phát thải khí nhà kính nhằm nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu.
Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ là những quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu trên thế giới. Điều này đòi hỏi bộ ba này dẫn đầu trong việc cắt giảm lượng khí thải nếu muốn nỗ lực kiểm soát biến đổi khí hậu thành công.
Thừa nhận những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Kerry nói rằng tương lai của hành tinh phụ thuộc vào sự hợp tác giữa hai quốc gia hàng đầu thế giới. Cả hai đều phải nuôi tham vọng của mình, ông nói thêm.
Ông nói: “Không có gì là bí ẩn khi Trung Quốc và Mỹ có nhiều điểm khác biệt. Nhưng về vấn đề khí hậu, hợp tác là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng chung hiện nay trên thế giới. Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều tuyên bố rõ ràng rằng mỗi bên sẽ hợp tác về khí hậu bất chấp những khác biệt. Mỹ cần Trung Quốc thành công trong việc cắt giảm lượng khí thải. Trung Quốc cần Mỹ làm điều tương tự”.
Ông Kerry đã kêu gọi các nhà lãnh đạo toàn cầu đẩy nhanh các hành động cần thiết để kiềm chế nhiệt độ gia tăng. Ông nói trong bài phát biểu tại Kew Gardens ở London, một di sản thế giới được UNESCO công nhận rằng: “Cuộc khủng hoảng khí hậu là thử thách của thời đại chúng ta, và mặc dù nó có thể đang diễn ra chậm chạp, nhưng đối với một số người, thử thách này cũng khó khăn như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đó. Thời gian không còn nhiều”.
Ông mô tả thập kỷ tới là quyết định, nói rằng các quốc gia trên thế giới phải tăng tốc nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính nếu họ đáp ứng cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ không quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp hoá.
Trong khi nhiều quốc gia đã cam kết loại bỏ lượng khí thải carbon ròng vào năm 2050, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu cho biết lượng khí thải phải được cắt giảm ít nhất 40% vào cuối thập kỷ này để giữ cho nhiệt độ luôn ở mức ổn định.
Các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tiếp theo của Liên hợp quốc gọi sự kiện vào tháng 11 ở Glasgow, Scotland là “cơ hội tốt nhất cuối cùng trên thế giới để kiểm soát biến đổi khí hậu đang diễn ra”. Mục tiêu chính của cuộc họp, COP26, là để các quốc gia đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng về giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu này, các quốc gia cần phải loại bỏ dần việc sử dụng than, giảm nạn phá rừng, đẩy nhanh việc chuyển đổi sang xe điện và khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, theo các nhà tổ chức hội nghị.
Ô nhiễm khí hậu tại Trung Quốc đã tăng mạnh trong thập kỷ qua khi nền kinh tế của nước này phát triển vượt bậc, đặc biệt là khi nước này tiếp tục vận hành, xây dựng và cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than.
Công ty phân tích Rhodium Group đã báo cáo vào tháng 5 rằng Trung Quốc tính đến năm 2019 đã bơm ra hơn 27% tổng lượng khí thải gây hại cho khí hậu trên toàn cầu. Rhodium nói, con số này cao hơn nhiều so với Mỹ, ở mức 11% và nhiều hơn phần còn lại của các nước phát triển trên thế giới cộng lại.
Ông Antony Froggatt, một nhà tư vấn chính sách năng lượng tại tổ chức tư vấn Chatham House ở London, hoan nghênh bài phát biểu của ông John Kerry vì đã nêu bật nhu cầu cấp thiết của hành động cho tất cả mọi người.
“Một trong những quan chức cao nhất về biến đổi khí hậu trên thế giới đang nói rõ rằng rằng biến đổi khí hậu đang ở đây, có thật, và tác động trong tương lai của nó sẽ tương đương với một cuộc chiến tranh toàn cầu… và do đó chúng tôi cần phải làm mọi thứ ngay bây giờ”, ông Froggatt nói.
“Đó không chỉ là Mỹ, không chỉ là EU. Đó là Ấn Độ. Đó là Trung Quốc. Chính những nước phát thải lớn này thực sự cần phải hành động trong ngắn hạn và chứng minh rằng họ đang thay đổi mức phát thải”, ông cho hay.