Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hàng loạt giải pháp giảm ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa (còn gọi là “ô nhiễm trắng”) và đạt hiệu quả tốt.
Thủ đô Amsterdam của Hà Lan được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông vì có không ít giải pháp tiên phong trong vấn đề rác thải nhựa nổi trên mặt nước và chìm trong nước. Amsterdam có mạng lưới kênh rạch trải dài hơn 100 km và mỗi năm thuyền vớt rác thu gom khoảng 42 tấn rác nhựa từ các con kênh. Để “xanh hóa” sông nước, Amsterdam thực hiện từ cách đơn giản như tổ chức tour du lịch vớt rác thải nhựa trên sông đến phát triển hệ sinh thái chống rác thải nhựa.
Công ty Plastic Whale xây dựng đội tàu du lịch trang bị động cơ chạy điện, gồm 12 chiếc tại Amsterdam và TP Rotterdam. Được trang bị cần câu cá, các nhóm du khách đi dọc các dòng kênh nổi tiếng trải nghiệm vớt rác. Rác thải sau khi thu được dùng để tái chế thành đồ nội thất văn phòng hoặc đóng tàu.
Song song đó, công ty khởi nghiệp Great Bubble Barrier lắp đặt “hàng rào bong bóng khí” ở kênh Westerdok tại TP Amsterdam. Hệ thống này là thiết bị hình chữ nhật, có khả năng bơm khí qua một đường ống có lỗ đặt ở đáy sông hoặc kênh. Bong bóng khí tạo ra dạng lưới chéo, ngăn rác thải nhựa có kích thước từ 5 mm đến 1 m vượt qua hàng rào trôi ra biển. Qua hệ thống đục lỗ, thiết bị thổi khí nén lên mặt nước, đẩy rác thải nhựa ở dưới đáy nổi lên mặt nước, thuận tiện cho công nhân môi trường vớt rác. Ưu điểm của hàng rào bong bóng khí là không cần phải lập hàng rào vật lý để thu rác thải nhựa, tàu bè và cá có thể đi qua dễ dàng.
Sau nhiều năm phát triển, dự án Ocean Cleanup với sứ mệnh làm sạch Great Pacific Garbage Patch – vùng biển tập trung đầy rác ở Thái Bình Dương, nằm giữa Hawaii và California (Mỹ) – gặt hái thành quả khi gom được rác ngoài khơi Vancouver (Canada) cuối năm 2020 và sẽ khởi động từ bờ biển Victoria (Úc) trong 2 tuần nữa. Boyan Slat, người sáng lập Ocean Cleanup, cho biết hệ thống gồm một bệ nổi và phao có lưới sâu 3 m dưới mặt biển. Hệ thống thiết kế theo hình chữ U dài 600-800 m, dựa vào sức gió di chuyển để thu gom rác nổi trên biển. Có một tàu kéo mỗi đầu và chỉ di chuyển với tốc độ khoảng 0,75 m/giây. Nhóm đặt thêm một tấm màn nhằm hạn chế việc rác lọt ra ngoài.
Trong khi đó, dự án SeaClear, do Liên minh châu Âu tài trợ, sử dụng robot tự động để nhặt rác dưới đại dương. Theo trang New Atlas, hệ thống nhặt rác dưới đáy biển gồm: máy bay không người lái, robot điều khiển từ xa dưới nước (ROV) và tàu mặt nước không người lái đóng vai trò như tàu mẹ. Máy bay không người lái và một ROV được sử dụng để phát hiện rác, truyền dữ liệu về cho tàu mẹ xử lý qua máy tính. ROV thứ hai nhận lệnh di chuyển đến địa điểm được chỉ định dưới đáy biển, sử dụng bộ kẹp và thiết bị hút để thu gom rác thải.