Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Global Change Biology, lợn rừng thải ra khoảng 4,9 triệu tấn carbon dioxide (CO2) trên toàn cầu mỗi năm, tương đương lượng khí thải carbon của 1,1 triệu ô tô. Nghiên cứu này cảnh báo lợn rừng là loài động vật đang góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, phát hiện này làm rõ tác động của các loài xâm lấn như lợn rừng và nhấn mạnh việc cần phải có các biện pháp kiểm soát tốt hơn để quản lý quần thể lợn rừng.
Theo nghiên cứu trên, các chuyên gia của Đại học Queensland, Australia đã mô hình hóa các quần thể lợn rừng trên toàn thế giới, tạo ra 10.000 bản đồ về mật độ lợn rừng dựa trên dữ liệu hiện có về số lượng và sự phân bố của các loài động vật. Sau đó, họ mô hình hóa mức độ đất sẽ bị xáo trộn bởi lợn rừng dựa trên các nghiên cứu trước đó về mức độ thiệt hại mà loài này gây ra trong khi kiếm ăn.
Theo ông Christopher O’Bryan thuộc Đại học Queensland, tác giả của nghiên cứu, lợn rừng giống như những chiếc máy kéo cày xới ruộng, chúng đào bới đất để tìm kiếm thức ăn, khi đó sẽ thải ra khí carbon vào khí quyển. “Vì đất chứa lượng carbon nhiều hơn gần ba lần so với trong khí quyển, nên ngay cả một phần nhỏ carbon thải ra từ đất cũng có thể khiến quá trình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn”, ông O’Bryan nhấn mạnh.
Trong khi đó, các quần thể lợn rừng đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Chúng là một loài xâm lấn sinh sôi nảy nở nhanh và gây thiệt hại trên phạm vi rộng. Nếu loài này phát triển sang các khu vực có nhiều carbon trong đất, đó sẽ là nguy cơ làm tăng lượng phát thải khí nhà kính hơn trong tương lai.