Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong giai đoạn mang thai có thể gây tổn hại đến khả năng kiểm soát ức chế của trẻ nhỏ, hệ quả là làm thay đổi nền tảng hình thành các kỹ năng học tập của các em trong tương lai.
Phát hiện này được các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Sức khỏe môi trường trẻ em Columbia (CCCEH) thuộc Trường Y tế công cộng Mailman và Trung tâm Y tế Irving (Đại học Columbia) công bố trên tạp chí Environmental Research.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một nghiên cứu thuần tập theo thời gian trên 200 trẻ em ở Bắc Manhattan và Bronx. Họ thu thập dữ liệu đo mức độ phơi nhiễm PAH trong ba tháng cuối thai kỳ – thời kỳ thai nhi rất dễ tổn thương trước những chất ô nhiễm môi trường. Sau đó, họ sẽ thử nghiệm khả năng kiểm soát ức chế khi đứa trẻ lên 10 tuổi và kiểm tra thành tích học tập khi 13 tuổi.
Khi học một khái niệm mới, đứa trẻ cần “ghi đè” (override) thói quen trước đó để tích hợp một quy tắc mới vào một kỹ năng và chúng sẽ phải thực hành loại kiểm soát ức chế (inhibitory control) này.
“Trẻ em có khả năng kiểm soát ức chế kém sẽ khó “ghi đè” phản ứng thông thường để thay thế các phản ứng bất thường. Chẳng hạn, phản ứng tự nhiên của chúng ta khi thấy mũi tên hướng lên là nói “lên” hoặc khi thấy đèn xanh là “đi” nhưng trẻ có khả năng kiểm soát ức chế kém sẽ nói là “xuống” hoặc “dừng lại”, PGS. TS tâm lý y học Amy Margolis, Trung tâm Y tế Irving, tác giả thứ nhất của nghiên cứu cho biết. “Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong giai đoạn mang thai có thể gây tổn hại đến khả năng kiểm soát ức chế của trẻ nhỏ – làm thay đổi nền tảng hình thành các kỹ năng học tập của chúng trong tương lai”.
Do vậy, “khi đánh giá và tìm giải pháp cho những vấn đề học tập do ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí, phụ huynh và giáo viên nên xem xét các giải pháp tập trung vào khả năng kiểm soát ức chế, chứ không phải là bù đắp các kỹ năng học tập thiếu hụt như thông thường”, Margolis cho biết thêm.
Phát hiện mới củng cố nghiên cứu trước đây của các nhà khoa học ở Đại học Columbia – họ đã tìm ra chỉ thị phân tử DNA cho thấy việc phơi nhiễm các hợp chất hydrocarbon thơm đa vòng (PAH, một thành phần chính trong ô nhiễm không khí) sẽ ảnh hưởng đến năng lực tự điều chỉnh và chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ở trẻ em.
Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2021-07-air-pollution-exposure-linked-poor.html; https://www.ibtimes.com/prenatal-air-pollution-exposure-linked-poor-response-inhibition-academic-achievement-3251222