Sau hơn 1 năm ban hành kế hoạch số 218 về hỗ trợ hải sản tẩm ướp bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, hiện tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa thể chi trả tiền do nhiều đối tượng thiếu “bằng chứng” để được hỗ trợ.
Theo đó, ngày 20.6.2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành kế hoạch 218 về việc hỗ trợ thiệt hại hải sản tẩm ướp là cá ướp, mắm hải sản các loại (trừ nước mắm) được thu mua, chế biến trước ngày 30.8.2016 đang tồn trong kho của các cơ sở tại các xã, phường, thị trấn ven biển, cửa sông (đã được hỗ trợ thiệt hại về lao động). Để được hỗ trợ thì phải chứng minh được nguồn gốc, thu mua, tạm trữ trên địa bàn trong thời gian xảy ra sự cố môi trường biển.
Theo chỉ đạo, việc kê khai, đánh giá, xác nhận, áp giá, thẩm định, phê duyệt giá trị thiệt hại để hỗ trợ phải xong trước ngày 30.8.2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện xong.
Ông Trần Văn Hoan (61 tuổi, ở tổ dân phố Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà) cho biết, khi xảy ra sự cố môi trường biển, cơ sở chế biển hải sản của ông có gần 200 tấn mắm ruốc nguyên liệu trị giá khoảng 9 tỉ đồng không thể tiêu thụ.
Sau khi có hướng dẫn kê khai để hỗ trợ, ông đã thực hiện nhưng do không có hóa đơn, chứng từ thu mua hải sản nên đến nay vẫn đang chờ quyết định về việc được hỗ trợ hay không.
Ông Văn Thành Đô – Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà – cho hay, sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch 218, thị trấn Lộc Hà đã thông báo đến người dân để ai là đối tượng thì kê khai, cung cấp hồ sơ, bằng chứng.
Sau đó, có 136 hộ đến kê khai. Tuy nhiên, phần lớn không cung cấp được hồ sơ, chứng từ chứng minh là hải sản bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Sau khi rà soát, UBND thị trấn chỉ gửi hồ sơ của 16 hộ có căn cứ lên huyện. Sau đó, tổ công tác của huyện tiếp tục rà soát lại. Đến nay, huyện đang rà soát lại lần 2 để phê duyệt đối tượng được hỗ trợ.
Ngày 19.7, ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Tĩnh – cho biết, việc hỗ trợ hải sản tẩm ướp bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển theo kế hoạch 218 của UBND tỉnh Hà Tĩnh đến nay bị chậm do rất khó khăn trong việc rà soát, với lại việc rà soát phải làm rất chặt chẽ, chính xác thì mới đủ điều kiện chi trả.
“Việc rà soát rất khó khăn, phải đi kiểm tra, xác minh từng đối tượng. Sự cố môi trường thì xảy ra năm 2016 mà đến năm 2020 mới rà soát từng đối tượng, từng hộ kê khai nên rất khó, mất rất nhiều thời gian” – ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt, Sở NNPTNT cũng đã chỉ đạo các huyện khẩn trương hoàn thành rà soát, thẩm định để báo cáo tỉnh rồi đề xuất tỉnh sớm chi trả cho đối tượng đủ điều kiện, với đối tượng không đủ điều kiện cũng thông báo để họ biết.
Theo Sở NNPTNT Hà Tĩnh, toàn tỉnh có 129 đối tượng kê khai với hơn 8.000 tấn hải sản tẩm ướp bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển theo hướng dẫn tại kế hoạch 218 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, sau khi rà soát, bước đầu cho thấy số đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ thấp hơn rất nhiều.