Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi thuế suất thuế xuất khẩu và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để bảo vệ, thúc đẩy khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo trong nước, hạn chế việc XK tài nguyên thô, chưa qua chế biến.
Theo tin từ Bộ Tài chính, Bộ này vừa hoàn thiện dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu (XK), Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu (NK) ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Theo quy định tại Biểu thuế XK ban hành kèm Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, mức thuế XK áp dụng cho các mặt hàng đá được quy định tăng dần từ nguyên liệu thô đến thành phẩm, phù hợp với khung thuế suất thuế XK và nguyên tắc hạn chế XK tài nguyên, khoáng sản chưa qua chế biến (khung thuế XK do Quốc hội ban hành kèm theo Luật Thuế XK, thuế NK cũng nhằm mục đích hạn chế XK tài nguyên, khoáng sản không tái tạo).
Tại Chỉ thị số 38/CT-TTg, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính rà soát tổng thể chính sách tài chính về khoáng sản (thuế tài nguyên, thuế XK, phí và lệ phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, đề xuất điều chỉnh chính sách tài chính phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế cát, sỏi lòng sông…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg, trong đó đề ra mục tiêu là XK các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế XK những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Qua rà soát mức thuế suất thuế XK và mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng khoáng sản hiện nay, Bộ Tài chính nhận thấy có một số mặt hàng là tài nguyên khoáng sản như đá, chì, clanhke đang có thuế XK thấp hơn nhiều so với mức trần khung thuế XK cho phép của Quốc hội.
Đồng thời, trong thời gian qua, việc khai thác, XK các mặt hàng tài nguyên khoáng diễn biến phức tạp. Nhiều mặt hàng có kim ngạch XK tăng nhanh, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí tài nguyên quốc gia, ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các mặt hàng đá của Việt Nam hiện chủ yếu xuất sang các thị trường Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ. Trong đó, các loại đá cuội, sỏi, đá đã vỡ hoặc nghiền là các mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn với kim ngạch XK năm 2020 đạt 214,5 triệu USD. Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 và giá cước vận tải hàng hóa quốc tế tăng mạnh, kim ngạch XK của hầu hết các mặt hàng đá đều giảm so với năm 2019.
Do đó, để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên trong nước và để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg và định hướng xác định trong Quyết định số 1266/QĐ-TTg nêu trên, cùng với việc thực hiện các biện pháp khác có liên quan đến quản lý việc cấp phép, khai thác tài nguyên, Bộ Tài chính cho rằng cần xem xét tăng thuế XK một số nhóm hàng đá có mức thuế suất thuế XK 5% lên 20%; mức 10%, 15% 17%, 20% lên 30% là mức sát với mức trần của Khung thuế XK.
Tuy nhiên, do việc tăng thuế XK mặt hàng đá có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong các lĩnh vực này nên Bộ Tài chính dự kiến việc tăng thuế sẽ được thực hiện theo lộ trình 2 năm để doanh nghiệp có được sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, để tránh gian lận do việc chuyển từ mã số hàng hóa có thuế suất cao sang mã số có thuế suất thấp hơn, hạn chế vướng mắc khi thực hiện, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, khoáng sản, Bộ Tài chính cũng dự kiến trình Chính phủ điều chỉnh mức thuế suất thuế XK đối với mặt hàng đá và sản phẩm làm từ đá (từ 5% lên 15%) để ngang bằng thuế suất với các nhóm hàng cùng chủng loại hoặc tương đồng. Đây là những mặt hàng có thuế XK thấp hơn so với mức trần khung thuế XK hiện hành.