Ẩn sâu dưới đại dương có một “siêu xa lộ” kéo dài khoảng 700 km giữa khu bảo tồn đảo Galapagos của Ecuador và đảo Cocos.
Con đường này rất quan trọng với các sinh vật biển như rùa biển, cá mập voi và cá mập búa. Chúng vẫn thường di chuyển qua lại giữa các hòn đảo bằng “siêu xa lộ” này để tìm chỗ làm tổ hoặc kiếm ăn.
Tuy nhiên, con đường này có thể trở nên nguy hiểm vì nó dễ được tiếp cận bởi các tàu đánh cá. Dữ liệu cho thấy quần thể các loài di cư, trong đó có nhiều loài bị đe dọa, đang suy giảm.
Ông Alex Hearn, giáo sư sinh học kiêm thành viên sáng lập MigraMar, một liên minh các nhà khoa học và các nhóm môi trường, cho biết việc bảo vệ các điểm nóng đa dạng sinh học xung quanh các hòn đảo vẫn chưa đủ nên nhóm của ông đang vận động bảo vệ toàn bộ khu vực rộng khoảng 240.000 km2, bằng kích cỡ của Vương quốc Anh.
Điều này sẽ mở rộng phạm vi hạn chế đánh bắt vượt ra ngoài bán kính 22 km xung quanh đảo Cocos và bán kính 74 km xung quanh các đảo Galapagos, tạo ra một kênh hẹp được bảo vệ giữa hai bên theo một chuỗi các vỉa, núi ngầm nhô lên từ đáy biển.
Với vai trò như điểm mốc cho đại dương, núi ngầm rất quan trọng cho việc điều hướng. Được tạo ra từ dung nham, chúng phát ra tín hiệu từ tính mà một số loài, chẳng hạn như cá mập đầu búa và rùa biển, dựa vào để xác định vị trí của chính mình. Ông Hearn giải thích những thứ này đóng vai trò như “bàn đạp”, cung cấp nơi cho các sinh vật biển kiếm ăn và nghỉ ngơi trong quá trình di cư.
Mối đe dọa phổ biến nhất đối với các loài di cư này là hoạt động đánh bắt. Chúng có thể bị tàu đánh cá vô tình bắt được, mắc vào lưới hoặc đối với cá mập là bị săn bắt trái phép để lấy thịt và vây.
Khi so sánh với những mối đe dọa khác, ví dụ như biến đổi khí hậu, việc kiểm soát hoạt động đánh bắt là điều dễ dàng hơn. Ông Todd Steiner, một thành viên sáng lập khác của MigraMar, giải thích các nước ven biển có thể hạn chế hoạt động ở vùng lãnh hải của họ và khu vực Cocos – Galapagos thuộc thẩm quyền của cả Ecuador và Costa Rica. “Một vài chữ ký trên một mảnh giấy có thể bắt đầu quá trình bảo vệ khu vực sinh thái cực kỳ quan trọng này” – trích lời ông Steiner.
Ecuador và Costa Rica đang cân nhắc các kế hoạch để bảo vệ “siêu xa lộ” này bằng cách sử dụng dữ liệu của MigraMar. Cả 2 nước đã đăng ký vào Liên minh Đại dương Toàn cầu, một sáng kiến do Vương quốc Anh đứng đầu nhằm kêu gọi bảo vệ 30% đại dương vào năm 2030. Theo ông Steiner, hành động này thể hiện ý chí chính trị nhưng các vùng biển của Ecuador và Costa Rica chỉ mới được bảo vệ khoảng 13% và 3% nên các nước này cần chuyển ý chí thành hành động.
Một quan chức của Costa Rica nói với đài CNN nước này đang “thực hiện chiến lược tăng cường bảo tồn, đặc biệt bằng cách tạo ra và củng cố các khu bảo tồn biển”. Theo quan chức trên, điều này sẽ liên quan đến việc tăng cường bảo tồn xung quanh đảo Cocos.
Dù chính phủ Ecuador không trả lời yêu cầu bình luận của CNN nhưng có thông tin cho rằng nước này đang tìm cách mở rộng Khu bảo tồn biển Galapagos, bao gồm cả phần của Ecuador trên “siêu xa lộ”. Được biết, hai nước đang thảo luận về các khu bảo tồn biển và việc thực thi pháp luật trên đại dương.
“Chúng tôi hy vọng họ sẽ hành động trong tương lai gần” – ông Steiner nói. Tuy nhiên, ông cảnh báo vì 1 số loài đang có nguy cơ tuyệt chủng nên các chính phủ cần hành động nhanh chóng.