Cùng với TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai thì 16 tỉnh Nam bộ sẽ bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ hôm nay và kéo dài trong 14 ngày.
TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng từ ngày 9-7, kéo dài trong 15 ngày. Vậy trong đợt giãn cách này, TP.HCM còn năm ngày nữa để thực hiện mục tiêu tách cơ bản F0 ra khỏi cộng đồng, khống chế tình hình dịch bệnh, đưa TP trở về trạng thái bình thường mới. Tất nhiên, cũng không loại trừ tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp hơn.
Để chuẩn bị cho điều đó, TP đã lên các kịch bản khác nhau, với tình huống số bệnh nhân nặng tăng lên 2.000 ca và tính đến cả phương án 60.000 ca nhiễm (TP.HCM hiện đã lên hơn 31.000 ca nhiễm, với số ca mắc cao kỷ lục trong ngày hôm qua (18-7) là 4.692 ca).
Để thực hiện Chỉ thị 16, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết cả hệ thống chính trị đã ra quân với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để kiềm chế dịch. Nhiều cán bộ làm việc ở khu cách ly và điều trị, làm cả ngày đêm không kể giờ giấc, có người đuối sức nhưng cũng cố gắng thực hiện cho bằng được những công việc được giao.
Người đứng đầu Thành ủy yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM phân công các lực lượng xuống tận cơ sở để xử lý nghiêm những vi phạm. Đáng chú ý, những nơi còn xuất hiện tụ tập đông người, ông đề nghị tăng cường kiểm tra, nếu còn để xảy ra tình trạng trên thì cách chức các cán bộ không thực hiện đúng chỉ đạo phòng chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định TP.HCM đã đi đúng hướng và có quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19 với mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân. Ông nói việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm sẽ dẫn đến chủ quan, hậu quả sẽ nặng nề hơn.
Thủ tướng cũng tin tưởng: Với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; phòng chống dịch có trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm, kịp thời thì dịch COVID-19 sẽ sớm được kiềm chế, đẩy lùi.
Tại Bình Dương, đến ngày 18-7, có 7/9 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Theo chỉ đạo mới của Chính phủ thì tỉnh sẽ mở rộng giãn cách với hai huyện còn lại là Phú Giáo và Bắc Tân Uyên. Như vậy, tỉnh Bình Dương sẽ giãn cách xã hội toàn tỉnh trong 14 ngày kể từ 0 giờ ngày 19-7.
Tại tỉnh Đồng Nai, từ 0 giờ ngày 9-7 đã áp dụng giãn cách xã hội toàn tỉnh. Đến cuối ngày 18-7, tổng số ca mắc COVID-19 mới ở tỉnh Đồng Nai đã vượt 1.000 ca, trong đó nhiều nhất là TP Biên Hòa với 492 ca.
16 tỉnh Nam bộ còn lại, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ hôm nay và kéo dài trong 14 ngày. Đến chiều qua, các công tác chuẩn bị cho đợt giãn cách này đã được các nơi khẩn trương, tập trung thực hiện.
Ngay trong ngày 18-7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt ký công văn chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, tổ chức truy vết, khoanh vùng, cách ly những khu vực có ca bệnh để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch, triển khai ngay xét nghiệm gộp, truy vết ổ dịch để giảm nguy cơ xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo TP vừa có đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn thủ tục mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ chống dịch… Đồng thời, quan tâm phân bổ cho Cần Thơ 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19.
Hai tỉnh miền Tây vượt ngưỡng 1.000 ca bệnh COVID-19
Tại Đồng Tháp, từ ngày 24-6 đến 12 giờ ngày 18-7, tỉnh đã ghi nhận tổng cộng 1.257 ca nhiễm COVID-19 và đã có 26 bệnh nhân COVID-19 tử vong, đa số là người lớn tuổi và có bệnh lý nền nặng. Tại Tiền Giang, đến sáng 18-7, có 1.041 ca nhiễm COVID-19 tại 114 ổ dịch, có 13 ca đã tử vong; 68 ca khỏi bệnh. |