7 đập thủy lợi đe dọa hành lang động vật hoang dã ở Thái Lan

Các nhà bảo tồn cảnh báo kế hoạch xây 7 đập thủy lợi ở một trong những hệ thống rừng nguyên vẹn cuối cùng của lục địa Đông Nam Á có thể gây mất môi trường sống trên diện rộng và cắt đứt các hành lang quan trọng của động vật hoang dã.

Hệ thống đặc biệt ấy là khu phức hợp rừng Dong Phayayen-Khao Yai (DPKY), một vùng trải rộng khắp 6 tỉnh miền đông Thái Lan. Từ năm 2005, khu vực này đã được công nhận là Di sản Thế giới vì giá trị đa dạng sinh học đặc biệt nhưng DPKY có lẽ được biết đến nhiều hơn với vai trò là quê hương của một trong hai quần thể hổ Đông Dương (Panthera tigris corbetti) sinh sản còn lại của Thái Lan.

Cục Thủy lợi Hoàng gia Thái Lan lý giải việc xây các con đập sẽ giúp giải quyết vấn đề về lũ lụt và hạn hán ở các khu vực đông dân cư gần đó. Ngoài ra, nước từ các con đập cũng phục vụ các khu công nghiệp liên kết với hành lang kinh tế phía Đông, góp phần thúc đẩy đầu tư vào ba tỉnh ven biển Chachoengsao, Chonburi và Rayong.

Từ nhiều năm trước, các đề xuất đã được đưa ra nhưng vấp phải sự phản đối của nhiều bên. Năm 2017, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO từng cảnh báo những lo ngại về việc xây đập sẽ phương hại đến giá trị di sản tự nhiên của DPKY và yêu cầu hủy bỏ vĩnh viễn hai con đập được lên kế hoạch. Chính quyền Thái Lan khi đó cho biết các dự án sẽ không được tiến hành, tuy nhiên, chúng đơn giản chỉ được tạm gác lại.

“Nếu mọi hồ chứa được xây dựng, chắc chắn sẽ có những tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái, đặc biệt là đối với động vật hoang dã. Một mạng lưới lớn các hệ sinh thái rừng tự nhiên sẽ bị cắt đứt và phân tán thành các sinh cảnh nhỏ hơn. Các tuyến đường của động vật hoang dã sẽ bị thay đổi hoặc bị chia cắt, nhiều loài thực vật cũng sẽ bị ngập lụt”, Ornyupa Sangkamarn, đại diện tổ chức Seub Nakhasathien Foundation có trụ sở tại Băng Cốc cho biết.

Nếu được thông qua, 3/7 con đập sẽ có tổng diện tích khoảng 2.420 ha, tương đương gần 3.000 sân bóng. Trong đó, dự án lớn nhất là đập Sai-noi Sai Yai nằm trong Vườn quốc gia Thap Lan với dung tích hồ chứa 334 triệu m3. Riêng tại khu vực dự kiến xây đập Khlong Maduea rộng 300 ha nằm ở phía tây của Vườn quốc gia Khao Yai, các cuộc điều tra môi trường ghi nhận được 220 loài bao gồm 38 loài thú, 116 loài chim, 43 loài bò sát và 23 loài lưỡng cư.

Đáng chú ý là tác động từ các con đập sẽ lớn hơn rất nhiều so với phạm vi hồ chứa, làm xáo trộn môi trường sống của động vật hoang dã và xa hơn nữa là các hành lang đa dạng sinh học quan trọng. Các đề xuất cũng rất mâu thuẫn với mục tiêu đầy tham vọng của Thái Lan là tăng độ che phủ rừng từ 33% lên 40% và cả Kế hoạch hành động quốc gia về hổ nhằm tăng số lượng hổ lên 50% vào năm 2022.

Các hành lang rừng nguyên vẹn trong Khu phức hợp DPKY rất quan trọng đối với voi châu Á (Elephants maximus). Ảnh: Rhett Butler / Mongabay.

“Cục Thủy lợi Hoàng gia nói rằng họ cần mở rộng nguồn cung cấp nước để tưới tiêu cho những vùng đất nông nghiệp cần thiết. Tuy nhiên, các đề xuất ở Dong Phayayen-Khao Yai cùng với nhiều đề xuất ở các vùng khác trên thực tế phục vụ phần lớn ngành xây dựng và ngoài lợi ích công khác”, Pianporn Deetes, Giám đốc chiến dịch Thái Lan và Myanmar của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho biết.

Gần đây, Thái Lan phải đối mặt với một số đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các con đập sẽ không cung cấp giải pháp khắc phục nhanh chóng. “Những gì chúng ta cần làm là nói về cách quản lý hiệu quả nguồn nước mà chúng ta có, cách chịu trách nhiệm với nó và cách sử dụng nó một cách khôn ngoan. Nơi nào thiếu nước, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ và giải quyết nó một cách lý tưởng ở cấp địa phương để mọi người đều có thể tham gia chứ không phải từ cấp trên thông qua các dự án xây dựng tập trung quy mô lớn hủy hoại môi trường”, Pianporn nói.

Cũng theo Pianporn, với lượng mưa hàng năm cao, DPKY trở thành một lưu vực quan trọng đổ vào 5 con sông lớn của Thái Lan chảy về sông Mê Kông. Các đập được đề xuất chủ yếu nằm trong các thung lũng dốc, nơi chúng sẽ lấy nước từ các phụ lưu. Tuy nhiên, Bộ Thủy lợi Hoàng gia lại tuyên bố không ai sử dụng các nhánh sông này, rằng nước chỉ chảy vô ích ra biển… dù trên thực tế nguồn nước này rất quan trọng để duy trì các hệ sinh thái và cho cá di cư, động vật hoang dã dưới nước và các vùng đầm lầy ngập nước.

Đại diện Freeland đặc biệt lo ngại về dự án đập Huay Satone được đề xuất trong Vườn quốc gia Ta Phraya, giáp với Campuchia bởi Vườn cung cấp một con đường hẹp, có rừng, giúp voi và các động vật hoang dã có thể đi qua để đến môi trường sống còn lại ở các quốc gia khác. Bên cạnh đó, báo cáo ĐTM cũng xác nhận dự án sẽ làm ngập rừng khộp rụng lá và các bãi cỏ dốc vốn là môi trường kiếm ăn quan trọng của bò banteng, một loài gia súc hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng và là loài săn mồi chủ chốt của hổ Đông Dương.

Chim đuôi cụt đầu đỏ (Pitta cyanea) ở Vườn quốc gia Khao Yai. Ảnh: JJ Harrison/Creative Commons (CC BY 3.0)

Cục Vườn quốc gia và Bảo tồn động thực vật hoang dã Thái Lan (DNP) cũng lo ngại việc đánh giá tác động của từng kế hoạch trong số bảy kế hoạch một cách riêng biệt sẽ không đưa ra được bức tranh rõ ràng về các tác động phát triển tổng thể. DNP đã khuyến nghị cơ quan thủy lợi thực hiện Đánh giá Môi trường Chiến lược để xem xét các tác động toàn diện trước khi đưa ra bất kỳ quyết định hoặc cam kết nào.

Dưới góc độ di sản, đại diện IUCN cho biết “IUCN chưa nhận được thông tin chi tiết về 7 đập được đề xuất nhưng bất kỳ đề xuất nào về xây dựng các đập có hồ chứa bên trong Khu Di sản Thế giới sẽ trái với yêu cầu của Ủy ban [hủy bỏ các kế hoạch trước đó] và gây ra những tác động tiêu cực đến giá trị đặc biệt của DPKY”.

Vào thời điểm biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên nước trên khắp Đông Nam Á, Thái Lan đang tìm kiếm các giải pháp để giảm bớt nguồn cung cấp nước và nhu cầu không ngừng trên tất cả các lĩnh vực. Nhưng các nhà bảo tồn nói rằng việc phá hủy các hệ sinh thái không thể thay thế trong quá trình này và cuối cùng sẽ dẫn đến các vấn đề hệ trọng hơn.

“Chúng tôi luôn tin rằng không có rừng thì không có nước”, Ornyupa nhấn mạnh.

Thảo Vy (Theo Mongabay)

Nguồn: