Sống ở những khu vực ô nhiễm có liên quan đến nguy cơ cao bị bệnh trầm trọng khi nhiễm SARS- CoV-2.
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây được trình bày tại Đại hội châu Âu về Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm, việc sống ở những khu vực ô nhiễm, bao gồm gần nơi xả nước thải và gần nơi có giao thông đông đúc, có liên quan đến nguy cơ cao phải vào điều trị tại khoa hồi sức tích cực và nguy cơ cao phải thở máy khi nhiễm SARS- CoV-2.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Anita Shallal, thuộc Bệnh viện Henry Ford ở Detroit (Mỹ), cho biết: “Việc sinh sống gần khu vực ô nhiễm là một yếu tố nguy cơ độc lập đối với tình trạng trầm trọng của bệnh COVID-19”. Shallal cho biết thêm: “Do các nhóm dân tộc thiểu số và thu nhập thấp thường sống ở các khu vực ô nhiễm hơn, vì vậy nghiên cứu cũng kêu gọi sự quan tâm đến tình trạng bất bình đẳng hệ thống có thể dẫn đến sự khác biệt rõ rệt về hậu quả nhiễm COVID-19 theo chủng tộc và sắc tộc. Các cộng đồng da màu thường hay sống ở những khu vực gần với ô nhiễm công nghiệp hơn và thường làm việc trong các doanh nghiệp có nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí hơn”.
Tiến sĩ Theodore Maniatis, Giám đốc y khoa tại Bệnh viện trường Đại học Staten Island ở thành phố New York, người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những phát hiện này là rất có ý nghĩa”. Ông cho rằng: “Phổi con người hoạt động trong tình trạng “cân bằng mong manh” nên dễ bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm. Bất cứ điều gì gây xáo trộn “cân bằng” này sẽ làm giảm sức đề kháng của phổi và tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi.
Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu về nơi sinh sống của người dân và dữ liệu từ Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ và các nguồn dữ liệu khác về mức độ ô nhiễm tại địa phương, bao gồm PM2.5, ozone và sơn chứa chì. Họ đã phân tích dữ liệu này để tìm hiểu mối liên quan giữa tình trạng bệnh COVID-19 và việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân COVID-19 sống ở những khu vực có nồng độ PM2.5 cao và nhiều sơn chứa chì thì có nguy cơ cao hơn phải thở máy và phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực so với những bệnh nhân sống ở những vùng lân cận ít ô nhiễm. Cụ thể, việc phơi nhiễm PM2.5 kéo dài có liên quan đến tăng 3 lần nguy cơ phải thở máy và tăng 2 lần nguy cơ phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những bệnh nhân là nam giới, da đen, béo phì hoặc có bệnh lý mạn tính nghiêm trọng thì có nguy cơ cao hơn cần phải thở máy và phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Ngoài ra, nam giới, béo phì hoặc có bệnh lý mạn tính nghiêm trọng cũng là những yếu tố dự báo tử vong khi nhập viện.
Phát biểu trong thông cáo báo chí, tiến sĩ Shallal cho biết hiện vẫn chưa rõ cơ chế nào khiến các chất ô nhiễm trong không khí góp phần gây ra tình trạng bệnh COVID-19 trầm trọng. Bà đưa ra giả thuyết rằng: “Việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến tăng tính nhạy cảm với vi rút và gây nhiễm vi rút nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các hạt nhỏ trong ô nhiễm không khí cũng có thể hoạt động như chất vận chuyển mang vi rút, làm tăng khả năng lây lan vi rút”.