Ngày 14.7, ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, vừa có văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ xâm hại 17ha rừng ở huyện Ia H’’Drai và dự án trồng 100ha rừng thay thế nhưng chỉ toàn là đồi trống ở huyện Kon Plông.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Ia H’Drai và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh về 17ha rừng bị lấn chiếm, phá rừng trái phép tại thôn 3, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai.
Đồng thời, cơ quan chức năng thiết lập hồ sơ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định nếu có. Báo cáo cụ thể kết quả kiểm tra và đề xuất UBND tỉnh xem xét trước ngày 15.7.2021.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh về các Dự án trồng rừng thay thế với quy mô 100ha tại xã Pờ Ê, huyện Kon Plông nhưng không thành rừng và gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Ông Phạm Xuân Khanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum cho biết: “Đoàn liên ngành cùng Chi cục Kiểm lâm về tận hiện trường kiểm tra, nắm bắt thông tin. Khi có kết quả sẽ báo cáo lên tỉnh để sớm thông tin ra dư luận”.
Quốc lộ 24 đoạn từ xã Hiếu đến xã Pờ Ê, huyện Kon Plông bị người dân lấn chiếm làm nông nghiệp, tỉnh Kon Tum đã xây dựng kế hoạch trồng rừng thay thế với số tiền 2,7 tỉ đồng. Dự án được giao cho Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kon Plông triển khai.
Khi hơn 100ha rừng thông phát triển tốt, chính quyền địa phương đến người dân đều kỳ vọng sau này sẽ được hưởng lợi từ rừng của dự án. Tuy nhiên đến năm 2015, giá mì (sắn) lên cao, cộng với quản lý lỏng lẻo của các đơn vị liên quan, người dân đã tìm mọi cách phá số diện tích rừng thông này. Chỉ trong thời gian ngắn, 100ha rừng thông đã bị phá bỏ, chiếm đất dùng để trồng mì.
Ông Văn Thanh Thái – Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty TNHH lâm nghiệp Kon Plông – cho biết: “Khi trồng rừng trên diện tích này, dự án vẫn tạo điều kiện cho người dân thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, sau khi thu xong cùng với việc chăn thả gia súc đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng thông mới trồng. Khi đoàn kiểm tra liên ngành xuống thực địa, thì số rừng thông trồng này đã bị xoá sổ. Sau đó, đơn vị đã dừng kế hoạch trồng rừng theo dự án”.