Chuyển hướng, tái sử dụng với mục đích khác hoặc xóa bỏ động lực làm tổn hại đến đa dạng sinh học ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm chỉ là một trong 21 mục tiêu đầy tham vọng của dự thảo Thỏa thuận mới do Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (LHQ) đưa ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh COP26 sẽ diễn ra vào tháng 11/2021 ở Anh.
Ban Thư ký Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc (CBD) mới đây đã công bố Khung toàn cầu mới để quản lý thiên nhiên đến năm 2030; một kế hoạch đang xây dựng để đưa ra một thỏa thuận về đa dạng sinh học tương tự như Thỏa thuận Paris năm 2015 (COP 21) trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, từ đó hướng tới các hành động nhằm “bảo tồn và bảo vệ thiên nhiên cũng như các dịch vụ thiết yếu của thiên nhiên đối với con người”.
Các mục tiêu của CBD nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự tàn phá sinh thái của Trái đất vào cuối thập kỷ và bao gồm kế hoạch bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất và biển trên thế giới, giảm 50% chất dinh dưỡng thất thoát ra môi trường và loại bỏ rác thải nhựa.
Giảm 10 lần sự tuyệt chủng
196 thành viên của CBD đã thông qua dự thảo khung hướng nhân loại sống hài hòa với thiên nhiên vào năm 2050, với mục tiêu quan trọng cần đạt được vào cuối thập kỷ này. Theo bà Elizabeth Maruma Mrema, Thư ký điều hành của Công ước về Đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, khung toàn cầu mới nhằm khuyến khích hành động khẩn cấp và mang tính chuyển đổi của Chính phủ và toàn xã hội, bao gồm cả người dân bản địa và cộng đồng địa phương.
Đồng thời, nhằm mục đích mở rộng thêm 15% các hệ sinh thái để hỗ trợ các quần thể khỏe mạnh và có khả năng phục hồi của tất cả các loài, cũng như giảm thiểu ít nhất 10 lần sự tuyệt chủng.
Đặc biệt, khung toàn cầu mới đặt mục tiêu đến năm 2030 bảo vệ 90% sự đa dạng di truyền của các loài hoang dã và thuần hóa.
Đánh giá rõ bản chất và đa mục tiêu
Theo Khung toàn cầu mới, đến năm 2050, những đóng góp của thiên nhiên đối với con người phải được đánh giá cao, duy trì hoặc nâng cao thông qua bảo tồn. Tuy vậy, đến năm 2030, khung này phải công bố tất cả các chính sách công và tư có liên quan…
Một mục tiêu khác của khung toàn cầu mới là chia sẻ công bằng việc sử dụng các nguồn gen để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, đặt ra mục tiêu ngắn hạn là tăng lợi ích tiền tệ cho các nhà cung cấp, cũng như các khoản phụ cấp có tính phi tiền tệ, chẳng hạn như khi họ tăng cường tham gia vào nghiên cứu và phát triển.
Ngoài ra, để thực hiện khung mới vào năm 2050, cần đạt mục tiêu dần thu hẹp 700 tỷ USD khoảng cách giữa các nguồn tài chính sẵn có mỗi năm và triển khai xây dựng và phát triển năng lực, hợp tác khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ nhiều hơn vào cuối thập kỷ này.
Hơn hai năm xây dựng, khung dự thảo mới nhất này sẽ được chỉnh sửa trong quá trình tham vấn trực tuyến giữa các Chính phủ vào cuối mùa hè này trước khi được trình bày để đưa ra văn bản cuối cùng tại một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của CBD gồm 196 bên ở thành phố Côn Minh, Trung Quốc.