Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lần đầu thiết lập quan hệ đối tác chiến lược để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
NASA và ESA từng hợp tác nhiều năm qua trong các sứ mệnh khoa học nghiên cứu trái đất như vệ tinh quan sát đại dương nhưng lần này 2 cơ quan vũ trụ lớn nhất thế giới đang nỗ lực hợp tác về vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận được thiết lập hôm 13-7 giữa NASA và ESA sẽ liên quan đến việc phát triển các vệ tinh quan sát trái đất chung và tập trung vào các lĩnh vực cụ thể để nghiên cứu các vấn đề như lịch sử của lớp băng bao phủ và cách thức lớp băng vĩnh cửu tan chảy giải phóng khí mê-tan vào khí quyển.
Ông Thomas Zurbuchen, quản trị viên về khoa học tại NASA, nói với tờ USA Today đây là bước tiến lớn so với bất kỳ điều gì họ đã từng làm. Nhận xét về thỏa thuận hôm 13-7 là quan trọng, Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, không gian là điểm thuận lợi nhất để đo lường và giám sát biến đổi khí hậu. Hợp lực cũng là chìa khóa để giải quyết vấn đề toàn cầu này”.
Ông Aschbacher cho biết Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11 tới sẽ mở ra cơ hội tiếp tục biến không gian trở thành một phần không thể thiếu trong giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xem biến đổi khí hậu là trọng tâm chính trong chính sách của chính quyền mình và giao nhiệm vụ cho NASA phụ trách nghiên cứu vấn đề này dựa trên lĩnh vực không gian.
Ngay sau khi ông Biden nhậm chức, NASA đã đảm nhận vai trò mới là cố vấn khí hậu cấp cao trong nỗ lực bảo đảm hoàn thành hiệu quả các mục tiêu nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu của chính quyền Mỹ. Hồi tháng 5, NASA đã gia nhập lực lượng đặc nhiệm khí hậu quốc gia của Nhà Trắng.
Trong bối cảnh nắng nóng cực đoan tấn công miền Tây nước Mỹ và Canada những ngày gần đây khiến hàng trăm người thiệt mạng, nghiên cứu mới của Tổ chức Hòa bình Xanh hôm 14-7 cảnh báo các trung tâm đô thị quan trọng của Trung Quốc, gồm thủ đô Bắc Kinh và TP Thượng Hải, dự kiến đối mặt với mùa hè nóng hơn và kéo dài hơn cũng như lượng mưa nhiều hơn trước.
Nghiên cứu cũng cho biết nếu tính đến mức khí thải toàn cầu cao nhất dự kiến vào năm 2040, nhiệt độ ở một số khu vực Bắc Kinh có thể tăng thêm 2,6 độ C vào năm 2100 và mùa hè sẽ kéo dài thêm 28 ngày.
Cảnh báo của Tổ chức Hòa bình Xanh được đưa ra sau khi một số nghiên cứu tương tự cho thấy nguy cơ nắng nóng gia tăng ở Trung Quốc liên quan đến biến đổi khí hậu. Một báo cáo hồi tháng 12 năm ngoái trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy tỉ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng ở Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần từ năm 1990 đến 2019, lên đến 26.800 ca vào năm 2019.
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers hôm 12-7, Bắc Kinh và Thượng Hải nằm trong số 23 thành phố của Trung Quốc trong danh sách 25 trung tâm đô thị hàng đầu trên thế giới gây ra hơn 50% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.