Tỉnh Kon Tum chi gần 3 tỉ đồng để trồng hơn 150ha rừng thông ven QL24 thuộc huyện Kon Plông – nơi được mệnh danh là Đà Lạt 2, nhưng sau 7 năm, chỉ có vài cây thông sống, còn lại toàn rẫy sắn…
Trả lời phóng viên Lao Động hôm 14.7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, vừa được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh Dự án trồng rừng thay thế với quy mô hơn 150ha ven QL24, đoạn từ xã Hiếu đến xã Pờ Ê, huyện Kon Plông nhưng không thành rừng, gây thiệt hại ngân sách.
Dự án trồng rừng thay thế này đã thực hiện từ 2014 với số tiền 2,7 tỉ đồng, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông thực hiện, nhưng đến nay chỉ có vài cây thông sống sót. Hiện trạng chỉ toàn là đồi núi trọc và rẫy sắn của dân.
Song điều lạ hơn là chỉ đến khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh chỉ đạo thì cả ngành Nông nghiệp Kon Tum, hệ thống chính trị ở huyện Kon Plông mới “khẩn trương vào cuộc rà soát, kiểm tra” chứ chưa có thông tin về vụ việc. Hơn 150ha ven QL24, rừng bị trọc hóa, rẫy sắn mọc lên suốt 7 năm nay chứ có khuất nẻo núi non đâu mà không cán bộ, cơ quan chức năng nào hay biết?
Trả lời báo chí, Công ty TNHH Lâm nghiệp Kon Plông cho rằng, khi trồng rừng, dự án tạo điều kiện cho người dân thu hoạch nông sản, nhưng sau đó dân chăn thả gia súc đã làm hư hỏng rừng thông mới trồng. Khi đoàn kiểm tra liên ngành xuống thực địa, thì số rừng thông trồng này đã bị xoá sổ. Năm 2015, đơn vị đã dừng kế hoạch trồng rừng theo dự án…
Doanh nghiệp – chủ dự án phải có giải pháp bảo vệ, chăm sóc rừng sau khi trồng, nếu dân phá hại thì ngăn chặn, bắt đền, thậm chí kiện để truy tố ra pháp luật chứ sao lại có chuyện “đổ thừa”, phủi tay dễ vậy? Gần 3 tỉ đồng ngân sách trồng rừng trồng bất thành là vi phạm nghiêm trọng, nhưng hệ lụy gây ra cho môi trường, cho xã hội còn nghiêm trọng hơn khi để mất rừng hơn 7 năm nay. Rừng đã thành đất nông nghiệp, thành rẫy sắn, ai phải là người chịu trách nhiệm?
Lẽ ra ven QL24 – đoạn qua khu vực dự án này giờ đã là ngàn thông ngút xanh. Vùng đất được mệnh danh là Đà Lạt 2 ở cực bắc Tây Nguyên này được người dân cả nước yêu mến, du khách thích thú và kỳ vọng sẽ giữ được rừng, khí hậu ôn hòa, nhưng với cách bảo vệ và trồng rừng như thế này thì Đà Lạt 2 nguy cơ bị biến mất.
Vì vậy, không chỉ dừng lại việc rà soát, kiểm tra dự án trồng rừng bất thành này, chính quyền tỉnh Kon Tum cần phải điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Buộc phải đền bù thiệt hại, khôi phục lại rừng trồng theo hướng bền vững. Tuyệt đối không “hợp thức hóa sai phạm”, chuyển đất rừng cho dân làm rẫy sắn như hiện nay.