Nạn đói trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng vì xung đột, biến đổi khí hậu và tác động kinh tế của COVID-19; 1/5 trẻ em trên thế giới bị còi cọc, các cơ quan của Liên hợp quốc ngày 12/7 cảnh báo.
Dữ liệu mới đưa ra đánh giá toàn cầu toàn cầu đầu tiên về tình trạng mất an ninh lương thực được thực hiện kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu, cho thấy số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào năm 2020 đã tăng hơn so với 5 năm trước đó cộng lại.
Việc đảo ngược tình trạng này có thể sẽ mất nhiều năm nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ, theo nhận định của của các cơ quan: Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
Lời kêu gọi cải cách hệ thống lương thực
“Đại dịch tiếp tục bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống lương thực của chúng ta, đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên khắp thế giới”, người đứng đầu các cơ quan nêu trên viết trong Báo cáo “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2021” (SOFI 2021) .
Báo cáo lưu ý, khoảng một phần mười dân số toàn cầu – từ 720 triệu đến 811 triệu người – bị thiếu dinh dưỡng vào năm ngoái.
Khoảng 418 triệu trong số đó là ở châu Á và 282 triệu người ở châu Phi.
Trên toàn cầu, 2,4 tỷ người không được tiếp cận với thực phẩm đủ dinh dưỡng vào năm 2020 – tăng gần 320 triệu người trong một năm.
Tác động của biến đổi khí hậu
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc biến đổi khí hậu đã khiến cộng đồng ở các nước đang phát triển phải chịu cảnh đói kém như thế nào – mặc dù thực tế là họ đóng góp rất ít vào lượng khí thải CO2 toàn cầu.
Gernot Laganda – một lãnh đạo của Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, các quốc gia nghèo hơn cũng ít có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn để chống chọi hoặc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điều này cho thấy rằng, “thế giới sẽ cần một nỗ lực to lớn để thực hiện cam kết chấm dứt nạn đói vào năm 2030”, các cơ quan cho biết trong một tuyên bố, nhằm kêu gọi sản xuất lương thực bao phủ, hiệu quả, linh hoạt và bền vững hơn.
Mục tiêu hướng tới trẻ em
Sự phát triển lành mạnh của trẻ em cũng bị ảnh hưởng, với hơn 149 triệu trẻ dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi suy dinh dưỡng thể thấp còi và 370 triệu trẻ bị thiếu bữa ăn ở trường vào năm 2020 do trường học đóng cửa trong đại dịch coronavirus.
WFP cho biết, hiện nay, 150 triệu trẻ em vẫn chưa được ăn trưa ở trường. Tổ chức này kêu gọi các quốc gia khôi phục những chương trình này và thực hiện “các chương trình tốt hơn nữa… mang lại cho trẻ em và cộng đồng một tương lai”.
Theo Giám đốc điều hành WFP David Beasley, báo cáo “nêu bật một thực tế tàn khốc: Con đường dẫn đến Zero Hunger (tạm dịch: Không có người đói) đang bị chặn lại bởi xung đột, khí hậu và COVID-19”.
Ông nhấn mạnh, tiềm năng tương lai của trẻ em “đang bị phá hủy bởi nạn đói… Thế giới cần hành động để cứu thế hệ này trước khi quá muộn”.