Loài bạch tuộc thủy tinh có thân hình trong suốt hiếm thấy đã được phát hiện ở vùng nước sâu biển Thái Bình Dương.
Các nhà sinh vật biển đã phát hiện loài bạch tuộc thủy tinh cực hiếm, tên khoa học là Vitreledonella richardi, trong chuyến thám hiểm kéo dài 34 ngày ở quần đảo Phoenix xa xôi, cách thành phố Sydney của Australia 5.100 km về phía đông bắc.
Bạch tuộc ”thủy tinh” có đặc điểm nổi bật là hoàn toàn trong suốt y như tên gọi của nó, chỉ có đôi mắt, dây thần kinh thị giác và ống tiêu hóa là hiện rõ.
Bạch tuộc thủy tinh có thân hình trong suốt kỳ lạ. Ảnh: Schmidt Ocean Institute
Nhóm các nhà khoa học đã báo cáo 2 lần chạm trán với loài sinh vật hiếm hoi này trong suốt chuyến thám hiểm. Trước đó, người ta chỉ biết đến chúng qua những cảnh quay hết sức hạn chế hoặc tìm thấy các bộ phận còn sót lại của chúng trong hệ tiêu hóa của các động vật săn mồi.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên Nhiên Quốc tế, đến năm 1918, các nhà khoa học mới phát hiện ra loài bạch tuộc thủy tinh. Có rất ít thông tin về loài này ngoại trừ việc chúng sống ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của vùng nước sâu dưới bề mặt đại dương từ 200m đến 1.000m hoặc từ 1.000m đến 3.000m.
Chuyến thám hiểm được tiến hành trên tàu nghiên cứu Falkor – do Viện Đại dương Schmidt điều hành – có sự tham gia của các nhà khoa học từ Đại học Boston và Viện Hải dương học Woods Hole. Một robot dưới nước mang tên SuBastian được sử dụng để ghi lại các cảnh quay dưới đáy biển trong 21 lần lặn khác nhau.
Trong chuyến đi này, các nhà khoa học cũng đồng thời phát hiện ra một số loài sinh vật biển mới ở 9 ngọn núi chưa từng được phát hiện dưới đáy biển trước đây và hoàn thành việc lập bản đồ có độ phân giải cao của khu vực rộng 30.000km2 này.