Một nghiên cứu mới của NASA và Đại học Hawaii, Mỹ, được công bố gần đây trên tạp chí Nature Climate Change, cảnh báo, những thay đổi sắp tới trong quỹ đạo của Mặt trăng có thể dẫn đến lũ lụt kỷ lục trên trái đất trong thập kỷ tới.
Thông qua lập bản đồ các kịch bản mực nước biển dâng, ngưỡng ngập lụt và chu kỳ thiên văn của Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), các nhà nghiên cứu nhận thấy lũ lụt ở các thành phố ven biển của Mỹ có thể tồi tệ hơn nhiều vào những năm 2030, khi đợt “lắc lư” tiếp theo của mặt trăng dự kiến bắt đầu.
Theo các nhà nghiên cứu, lũ lụt sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng và khiến nhiều khu dân cư phải di dời.
Mặt trăng lắc lư là hiện tượng tự nhiên được ghi nhận lần đầu tiên năm 1728. Quỹ đạo của Mặt trăng chịu trách nhiệm cho các giai đoạn thủy triều lên cao hơn và xuống thấp hơn theo chu kỳ khoảng 18,6 năm một lần.
NASA giải thích: “Trong một nửa chu kỳ 18,6 năm của Mặt trăng, thủy triều hàng ngày thường xuyên của Trái đất bị nén: Thủy triều lúc lên cao thấp hơn bình thường và thủy triều lúc xuống thấp cao hơn bình thường”.
NASA chia sẻ thêm: “Trong nửa chu kỳ còn lại, thủy triều lại bị khuếch đại: Thủy triều lúc lên cao cao hơn và thủy triều lúc xuống thấp thấp hơn. Mực nước biển toàn cầu đẩy thủy triều lúc lên cao theo chỉ một hướng cao hơn”.
Tuy nhiên, chu kỳ lần này khiến các nhà khoa học lo ngại hơn. Với mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, các đợt lũ khi thủy triều lên cao theo dự kiến sẽ dữ dội hơn và thường xuyên hơn bao giờ hết, làm trầm trọng thêm các dự báo vốn đã nghiệt ngã.
Năm 2019, NOAA ghi nhận hơn 600 trận lũ lụt như vậy. Các nhà khoa học dự kiến con số đó sẽ tăng gấp 3 đến 4 lần vào giữa những năm 2030.
Theo nghiên cứu, những trận lũ lụt này sẽ vượt ngưỡng lũ lụt trên khắp nước Mỹ thường xuyên hơn, và cũng có thể xảy ra theo từng cụm kéo dài hơn một tháng, tùy thuộc vào vị trí của Mặt trăng, Trái đất và Mặt trời. Trong một số trường hợp, lũ lụt có thể xảy ra thường xuyên hàng ngày hoặc cách ngày.