Chứng kiến cảnh tê tê mẹ ôm chặt con nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay thợ săn, người thiếu niên Nguyễn Văn Thái chợt thấy mình nợ loài vật này một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Hơn 20 năm sau, cậu thiếu niên Nguyễn Văn Thái đến nay phần nào trả được “món nợ” ấy qua việc thành lập tổ chức Save Vietnam’s Wildlife (Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam), từ đó giải thoát và cứu giúp hơn 1.500 con tê tê bị buôn bán trái phép trong 6 năm qua.
“Tê tê không làm hại ai nhưng bị con người sử dụng quá mức, khiến một số loài đến bên bờ tuyệt chủng”, anh Thái nói với Zing. “(Điều đó khiến tôi) cảm giác như mắc nợ chúng và mình cần làm gì đó giúp tê tê thoát cảnh bị săn bắt, buôn bán”.
Nhờ những đóng góp của mình, anh Thái được trao giải thưởng Môi trường Goldman hồi tháng 6. Đây là giải thưởng được ví như “Nobel Xanh” dành cho người có cống hiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và động vật hoang dã.
“Mắc nợ” với tê tê từ nhỏ
Sinh ra trên mảnh đất Nho Quan, Ninh Bình, gần Vườn quốc gia Cúc Phương, anh Thái từ nhỏ có cơ hội sống gần thiên nhiên.
“Ngay cạnh nhà tôi khi ấy là một vườn mít có rất nhiều hang tê tê vàng đào ở đó”, anh Thái kể lại với Zing.
Tuy có lớp vảy cứng xù xì, tê tê là loài động vật hiền lành. Chúng không có răng mà dùng lưỡi để bắt kiến, mối. Không có khả năng tấn công, tê tê chỉ biết cuộn người lại mỗi khi cảm thấy nguy hiểm.
Tuy nhiên, cuộc sống của loài vật nhút nhát này không mấy yên ổn, vì vảy tê tê được cho là có thể chữa từ hen suyễn đến ung thư, dù không có chứng cứ khoa học.
Đầu những năm 1990, phong trào buôn bán vảy tê tê rộ lên ở Việt Nam. Anh Thái tận mắt chứng kiến người dân đào hang bắt loài vật này lấy vảy.
Ám ảnh anh là cảnh tê tê mẹ cuộn chặt người để bảo vệ bản thân và con nhỏ trong vô vọng.
“Với cách ấy thì (tê tê) có thể bảo vệ trước các loài động vật khác, nhưng không thể bảo vệ trước bàn tay con người”, anh Thái nói.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh Thái được nhận vào làm cho chương trình bảo vệ tê tê châu Á ở Vườn quốc gia Cúc Phương. Qua thời gian tìm hiểu, anh bỗng thấy mình có tình cảm đặc biệt với loài vật này.
Tê tê là loài thú có vú bị buôn lậu nhiều nhất thế giới, với ước tính 200.000 cá thể bị bán lấy vảy hoặc thịt mỗi năm, theo tổ chức môi trường WildAid (Mỹ).
Hai loài tê tê tại Việt Nam đều thuộc diện cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ IUCN và được pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ.
“Điều ấy thôi thúc tôi muốn bảo vệ, giữ gìn, và phục hồi tê tê, không phải chỉ trên Việt Nam mà trên toàn thế giới”, anh Thái chia sẻ. “Tình yêu ấy cứ lớn dần và đi cùng tôi gần 20 năm nay”.
Ăn ngủ cùng tê tê
Khi mới bắt tay vào làm, anh Thái gặp nhiều khó khăn vì thông tin về tê tê rất ít. Tê tê ngoài thiên nhiên rất khó phát hiện vì chúng sống ẩn trong rừng và hoạt động về đêm. Để gặp được một con tê tê đã khó, chưa nói đến việc nghiên cứu.
Phương pháp thứ nhất của anh Thái là vào rừng thực địa. Có lần, anh và đồng nghiệp phải ăn ngủ cùng tê tê suốt 3 tháng để tìm hiểu tập tính loài vật này.
“Cách thứ hai là phỏng vấn những người thợ săn sống gần rừng vì họ có hiểu biết về tê tê từ xưa, thời điểm số lượng tê tê còn nhiều”, anh Thái nói.
Những kiến thức mà thợ săn cung cấp rất hữu ích với người làm công tác bảo tồn như anh Thái.
Khi thợ săn nói tê tê nặng mùi nên dùng chó săn rất hiệu quả, anh Thái đã kêu gọi xử phạt hành vi mang chó vào rừng để săn bắt. Quy định này hiện nằm trong Nghị định 35/2019 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Anh Thái cũng nhiều lần phải cải trang để đến các nhà hàng hoặc chủ buôn nhằm khai thác thông tin về đường dây buôn bán động vật hoang dã.
“Có lần tôi bị phát hiện đang quay video, cả khu chợ ấy xông đến. May mà tôi chạy nhanh và nhảy kịp lên xe máy của bạn đồng nghiệp”, anh Thái kể.
“Đúng là có lần nguy hiểm thật sự nhưng không vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp”, anh Thái cười.
Vất vả là vậy, nhiều người vẫn chưa hiểu được giá trị công việc mà anh đang làm, cũng như giá trị của động vật hoang dã.
“Mọi người cứ nghĩ rằng động vật hoang dã trong rừng nhiều vậy, ăn một con hay một miếng thịt thì có sao đâu”, anh Thái nói. “Nhưng họ không biết cách người ta săn bắt đang hủy diệt thiên nhiên như thế nào”.
Anh Thái kể có lần thợ săn giăng lưới phủ khắp trên cây, khiến nhiều chim rừng mắc kẹt bên trong. Nhưng sau đó, thợ săn cũng chỉ mang về một vài con, bỏ lại những con khác chết rũ trong lưới.
“Đôi khi người ta ăn một miếng thịt động vật nhưng không hiểu mình đang giết hàng trăm hàng nghìn con khác”, anh Thái nói.
Những thành tựu đầu tiên
Để trả “món nợ” với tê tê, năm 2014, anh Thái thành lập tổ chức phi lợi nhuận Save Vietnam’s Wildlife (SVW) tại Vườn quốc gia Cúc Phương. Trong các năm 2014-2020, SVW đã cứu hộ hơn 1.500 cá thể tê tê khỏi đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Anh Thái cũng xây dựng nhóm Chuyên trách Bảo vệ rừng (anti-poaching) đầu tiên tại Việt Nam theo hình thức đồng quản lý giữa tổ chức phi lợi nhuận và chính phủ.
Từ tháng 6/2018 đến tháng 12/2020, nhóm này đã phối hợp với cơ quan kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát để gỡ bỏ gần 10.000 chiếc bẫy, thiêu hủy hơn 700 lán trại bất hợp pháp, tịch thu nhiều súng và bắt giữ 558 thợ săn trộm.
Trung tâm Phục hồi Chức năng Tê tê châu Á đầu tiên tại Việt Nam cũng do anh Thái lập ra nhằm chăm sóc sức khỏe cho tê tê được giải cứu trước khi tái thả về môi trường tự nhiên. Đây cũng là nơi kiến thức anh thu thập được về tê tê phát huy tác dụng.
“Nhiều loại vật khác ăn tạp nên có thể lấy hoa quả người trồng thay thế cho hoa quả trong rừng”, anh Thái nói. “Nhưng riêng tê tê, ngay khi (vừa cứu hộ) về, mình phải kiếm thức ăn giống y thức ăn ngoài tự nhiên của chúng”.
Vì thế, nhân viên trung tâm phải cắt tổ kiến sống cho tê tê. Khi cứu hộ hàng chục cá thể 1 lúc, do không thể có đủ tổ kiến sống, trung tâm phải dùng kiến đông lạnh trộn lẫn để tê tê quen dần, anh Thái miêu tả khó khăn khi chăm sóc tê tê.
Chưa hết, trong quá trình chăm sóc, nhân viên trung tâm cần hạn chế tiếp xúc giữa tê tê với người để loài vật này có thể sống yên tĩnh. Trước khi tái thả, tê tê cần trở lại chế độ thức ăn tự nhiên để phục hồi bản năng.
Mọi cá thể tê tê khi được tái thả đều được gắn microchip và mã nhận dạng. Từ năm 2019, SVW hợp tác với một tổ chức Australia để dùng drone theo dõi tê tê. Qua đó, SVW trở thành tổ chức đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ drone vào mục đích này.
Khi được hỏi về việc nhận giải “Nobel Xanh”, anh Thái cho rằng đây không phải giải thưởng cho cá nhân anh hoặc cho SVW.
“Đây là sự ghi nhận nỗ lực của mọi người trong lĩnh vực bảo tồn ở Việt Nam”, anh Thái nói. “Họ xứng đáng nhận được sự tin tưởng và đồng hành của mọi người”.