Hơn 8 tỷ người có thể có nguy cơ mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết vào năm 2080 nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, một nghiên cứu mới cho biết.
Theo các dự báo mới, bệnh sốt rét và sốt xuất huyết sẽ lây lan tới hàng tỷ người. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng có thêm 4,7 tỷ người có thể bị đe dọa bởi hai căn bệnh do muỗi gây ra phổ biến nhất trên thế giới.
Các con số này dựa trên dự đoán về sự gia tăng dân số khoảng 4,5 tỷ người trong cùng thời kỳ và nhiệt độ tăng khoảng 3,7 độ C vào năm 2100.
Nghiên cứu do Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London (LSHTM) dẫn đầu và được công bố trên tạp chí Sức khỏe Hành tinh Lancet, cho thấy nếu mức phát thải tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại, tác động lên nhiệt độ toàn cầu có thể kéo dài các mùa truyền bệnh thêm hơn 1 tháng đối với bệnh sốt rét và 4 tháng đối với bệnh sốt xuất huyết trong vòng 50 năm tới.
Ông Felipe J Colón-González, trợ lý giáo sư tại LSHTM và là một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Công trình này gợi ý mạnh mẽ rằng việc giảm phát thải khí nhà kính có thể ngăn hàng triệu người mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết “.
“Kết quả cho thấy các kịch bản phát thải thấp làm giảm đáng kể thời gian lây truyền, cũng như số người có nguy cơ. Phải tiếp tục hành động để hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở dưới mức 2 độ C”, ông nói.
“Nhưng các nhà hoạch định chính sách và các quan chức y tế công cộng nên sẵn sàng cho mọi tình huống, bao gồm cả những tình huống mà lượng khí thải vẫn ở mức cao. Điều này đặc biệt quan trọng ở những khu vực hiện không có dịch bệnh và những nơi mà hệ thống y tế có khả năng không được chuẩn bị cho những đợt bùng phát lớn”, ông cảnh báo.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh sốt rét giết chết hơn 400.000 người mỗi năm, chủ yếu là trẻ em. Vào năm 2019, hơn 90% trong số 230 triệu trường hợp nhiễm bệnh nằm ở châu Phi. Hiện nay, liệu pháp phối hợp dựa trên artemisinin là phương pháp điều trị tốt nhất đối với dạng bệnh sốt rét nguy hiểm nhất, P falciparum, chiếm tới 90% các trường hợp.
Sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu. Căn bệnh này được báo cáo ít, với gần một nửa dân số thế giới có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh sốt xuất huyết ước tính lây nhiễm từ 100 triệu đến 400 triệu người mỗi năm, giết chết 20.000 người.
Bà Rachel Lowe, phó giáo sư tại LSHTM và một tác giả khác của nghiên cứu, cho biết một số quốc gia chẳng hạn như Eritrea, Sudan và Colombia đã chứng kiến sự bùng phát trở lại đáng kể của bệnh sốt rét trong những năm gần đây. Bà nói thêm, số ca sốt xuất huyết được báo cáo cho WHO đã tăng hơn 8 lần trong hai thập kỷ qua, từ 505.430 ca năm 2000 lên 5,2 triệu ca năm 2019.
Bà nói: “Các phát hiện của chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường giám sát tại các khu vực điểm nóng tiềm năng để theo dõi sự xuất hiện của dịch bệnh”.
LSHTM nghiên cứu các yếu tố về mức độ phát thải khí nhà kính, mật độ dân số và độ cao so với mực nước biển. Nhưng các nhà nghiên cứu đã thừa nhận rằng một số yếu tố chính khác vẫn chưa được tính đến, bao gồm sự tiến triển của dịch bệnh và sự phát triển của các loại thuốc và vắc-xin hiệu quả hơn. Các thử nghiệm vắc xin sốt rét đang được tiến hành. Thuốc chủng ngừa sốt xuất huyết đã được cấp phép ở một số quốc gia.
Ông Colón-González cho biết: “Các nỗ lực kiểm soát sốt rét và sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào việc kiểm soát quần thể muỗi và giảm tiếp xúc giữa muỗi và người. Mặc dù các chiến dịch giảm thiểu muỗi có thể hiệu quả, nhưng chúng rất khó duy trì, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp, nơi các nguồn lực khan hiếm phải được phân bổ giữa kiểm soát và điều trị”.