Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) mới đây cho biết, thế giới đã hết thời gian để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu xuống dưới 2 độ C – vốn là vấn đề “sinh tử” đối với các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng.
Ông António Guterres cho biết, 48 quốc gia chịu ảnh hưởng một cách có hệ thống bởi các thảm họa liên quan đến khí hậu cần được đảm bảo rằng sẽ có hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Ông nói: “Để xây dựng lại lòng tin, các nước phát triển ngay bây giờ phải làm rõ làm thế nào để họ cung cấp hiệu quả 100 tỷ USD tài chính khí hậu cho các nước đang phát triển, như đã cam kết hơn một thập kỷ trước”.
Người đứng đầu LHQ cho rằng để “thế giới đứng vững trở lại”, khôi phục hợp tác giữa các chính phủ và phục hồi sau đại dịch theo cách chống chịu với khí hậu, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất phải được hỗ trợ thích đáng.
Nguy cơ thiên tai
Ông Guterres đã yêu cầu một kế hoạch rõ ràng để đạt được các mục tiêu tài chính khí hậu đã thiết lập vào năm 2025, điều mà ông cam kết sẽ nhấn mạnh với các Bộ trưởng Tài chính G20 tại cuộc họp trong tuần qua.
Ông nói thêm rằng các tổ chức tài chính phát triển đóng một vai trò to lớn trong việc hỗ trợ các quốc gia trong ngắn hạn và họ sẽ tạo điều kiện cho việc phục hồi carbon thấp, thích ứng với khí hậu. Nếu không làm được như vậy, các quốc gia có thể sử dụng nhiên liệu hóa thạch có hàm lượng carbon cao, đầu tư sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch. “Chúng tôi không thể để điều này xảy ra”, ông Guterres nhấn mạnh.
Tổng Thư ký LHQ cũng nhắc nhở rằng những tác động khí hậu mà chúng ta đang hứng chịu ngày nay – với mức nhiệt đang ở mức cao hơn 1,2 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp – cho thế giới nhận thấy rõ những vấn đề phải chống chọi trong tương lai như: hạn hán kéo dài, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên, cũng như lũ lụt kinh hoàng.
“Khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng chúng ta cần hạn chế tăng nhiệt độ lên mức 1,5 độ. Hơn nữa, chúng ta có nguy cơ hứng chịu nhiều thiên tai… Hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu là vấn đề sống còn của các quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu”, ông Guterres khẳng định.
Phân bổ cân đối cho thích ứng
Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh rằng chỉ có 21% tài chính khí hậu dành cho thích ứng và chống chịu và cần có sự phân bổ cân đối cho cả thích ứng và giảm nhẹ. Ông cảnh báo, chi phí thích ứng hiện tại ở các nước đang phát triển là 70 tỷ USD một năm và con số này có thể tăng lên tới 300 tỷ USD một năm vào năm 2030.
Ông Guterres đang kêu gọi 50% tài chính khí hậu trên toàn cầu từ các nước phát triển và các ngân hàng phát triển đa phương để phân bổ cho việc thích ứng và chống chịu ở các nước đang phát triển. Theo ông, phải làm cho việc tiếp cận tài chính khí hậu dễ dàng hơn và nhanh hơn.
Có thể cứu sống 23.000 sinh mạng với ít nhất 162 tỷ USD
Người đứng đầu LHQ cũng hoan nghênh một báo cáo mới từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy có thể cứu sống khoảng 23.000 sinh mạng mỗi năm – với ít nhất 162 tỷ USD mỗi năm – thông qua việc cải thiện dự báo thời tiết, hệ thống cảnh báo sớm và thông tin khí hậu (được gọi là hydromet).
Trong một thông điệp video để đánh dấu việc công bố Báo cáo Khoảng trống Hydromet đầu tiên, Tổng Thư ký LHQ nói rằng các dịch vụ này là cần thiết để xây dựng khả năng chống chịu khi đối mặt với biến đổi khí hậu. Ông tiếp tục kêu gọi tạo ra bước đột phá về thích ứng và khả năng phục hồi vào năm 2021, với sự gia tăng đáng kể về tài chính và khả năng dự đoán tài chính để thích ứng.
Ông cho rằng, các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các nước kém phát triển nhất, nơi vẫn còn khoảng trống lớn trong dữ liệu thời tiết cơ bản, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Ông nói: “Những điều này ảnh hưởng đến chất lượng dự báo ở mọi nơi, đặc biệt là trong những tuần và ngày quan trọng khi cần các hành động dự báo nhất”.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), việc đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ tạo ra lợi ích có giá trị ít nhất gấp mười lần chi phí của chúng và rất quan trọng để xây dựng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt. Hiện tại, chỉ có 40% quốc gia có hệ thống cảnh báo hiệu quả.