Trong một thông cáo chính thức hôm 10/7, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo tài chính G20 đã công nhận “định giá carbon” là một công cụ tiềm năng để giải quyết biến đổi khí hậu. Đây được đánh giá là một bước tiến nhằm thúc đẩy ý tưởng và điều phối các chính sách giảm phát thải carbon.
Thông cáo được ban hành sau cuộc nhóm họp Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, diễn ra hôm 10/7 tại TP Venice của Italia. Chính tại nơi đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng, các nhà lãnh đạo đã đề cập đến việc định giá carbon trong số “bộ công cụ” mà các quốc gia cần phối hợp thực hiện cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của toàn cầu.
Các công cụ đó chủ yếu là việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và các công nghệ mới để thúc đẩy quá trình khử cacbon và năng lượng sạch, “bao gồm việc hợp lý hóa và loại bỏ dần các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả đang khuyến khích tiêu dùng lãng phí; và nếu thích hợp, thì cần sử dụng cơ chế định giá cacbon cũng như các ưu đãi, đồng thời cung cấp hỗ trợ có mục tiêu cho những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất” – thông cáo từ cuộc họp G20 tại Venice cho biết.
Tuyên bố được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Liên minh châu Âu (EU) dự kiến công bố mức thuế điều chỉnh biên giới carbon đối với hàng hóa từ các quốc gia có lượng khí thải carbon cao, hiện đang gây tranh cãi. “Đây là lần đầu tiên trong một thông cáo của G20, bạn có thể đưa cụm từ “định giá carbon” này vào như một giải pháp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu” – Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói trước báo giới. Những nỗ lực này từng vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump – người thường xuyên phản đối việc đề cập đến biến đổi khí hậu như một nguy cơ toàn cầu trong các tuyên bố quốc tế.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Ả Rập Saudi vào năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc bấy giờ Steven Mnuchin đã đồng ý đề cập đến biến đổi khí hậu trong thông cáo chung của G20, nhưng từ chối tuyên bố nó là một rủi ro suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Thay vào đó, nó được đưa vào tài liệu tham khảo về trách nhiệm của Ban Ổn định Tài chính G20, nhằm xem xét các tác động của biến đổi khí hậu đối với sự ổn định tài chính. Do đó, việc đề cập đến giá carbon hôm 10/7 cũng được cho đã đánh dấu ảnh hưởng của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Mỹ Joe Biden. Chính quyền này đã nhanh chónh đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris vào tháng Giêng năm nay, và đã đặt ra các mục tiêu giảm carbon đầy tham vọng cũng như các kế hoạch đầu tư năng lượng sạch và giao thông quốc gia.
Tuy nhiên, trong khi vẫn ủng hộ việc cắt giảm khí thải, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của chính quyền Biden, Janet Yellen, mới đây cũng lưu ý quốc tế cần sự phối hợp tốt hơn trong các chính sách cắt giảm carbon, để tránh xung đột thương mại. Chẳng hạn, nhiều bên đang chỉ trích biện pháp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU (CBAM), lo ngại rằng nó có thể trở thành một rào cản thương mại khác khi chủ trương đánh thuế đối với hàm lượng carbon của hàng hóa nhập khẩu. Biện pháp này được kỳ vọng nhằm ngăn chặn “rò rỉ carbon” từ các quốc gia có hạn chế phát thải ít phức tạp hơn vào khối. Đây thậm chí vẫn là mâu thuẫn chưa thể hòa giải giữa Brussels và Washington, bất chấp loạt tuyên bố chung đã được thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – EU hồi giữa tháng 6 vừa qua.