Số lượng dự án điện năng lượng mặt trời ở Khánh Hòa hiện đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Để đánh giá lại hiệu quả các dự án này, tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngành điện và các đơn vị liên quan rà soát.
Ngày 8.7, Sở Công thương tỉnh Khánh Hòa cho biết đang đôn đốc UBND các huyện, thị xã và TP.Cam Ranh chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa kiểm tra tất cả các công trình điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh có quy mô công suất từ 100 kWh trở lên.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản chỉ đạo Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố và Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa báo cáo về các công trình năng lượng mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Nội dung kiểm tra liên quan đến việc chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển điện mặt trời mái nhà, trên mái của công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thuỷ sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cụ thể, chính quyền sẽ kiểm tra việc chấp hành về đất đai, tiêu chí trang trại và đấu nối theo các quy định pháp luật. Kết quả kiểm tra, báo cáo thống kê và xác định rõ trường hợp nào phù hợp và không phù hợp.
Trong thời gian qua, tình trạng quản lý lỏng lẻo cũng xảy ra ở dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà. Cụ thể, nhiều dự án năng lượng mặt trời mái nhà được Điện lực Khánh Hòa cấp phép đấu nối, mua điện hàng loạt.
Việc mọc lên hàng loạt dự án năng lượng mặt trời khiến dư luận lo ngại về vấn đề môi trường, xử lý các tấm pin năng lượng và cả các vấn đề về quy hoạch đất đai sau này.
Bà Võ Nguyễn Phương Mai – Phó Trưởng phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công thương Khánh Hòa cho biết, có thực tế một số người dân mua đất thực hiện dự án năng lượng mặt trời tự phát và chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Việc cho phép chủ trương xây dựng thuộc về địa phương. Trong khi đó, ngành điện chỉ mua điện khi đầy đủ hồ sơ và thỏa thuận đấu nối.
“Về phía địa phương, sau khi xem xét về hiện trạng quy hoạch đất, xét thấy đất bỏ hoang, có thể nghiên cứu, cho phép chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất…” – bà Mai chia sẻ.