Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vaccine sẽ về trong tháng 7 cho TP.HCM, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vaccine kịp thời.
Ngay sau khi UBND TP.HCM có đề nghị về việc áp dụng thực hiện Chỉ thị 16, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đồng ý thành phố áp dụng có dự lệnh Chỉ thị 16.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp, ưu tiên phân bổ vaccine sẽ về trong tháng 7/2021 cho TP.HCM, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tiêm vaccine kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Trên cơ sở diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, chủng virus mới Delta có tốc độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn với nhiều tình huống đặc thù chưa có tiền lệ, Thủ tướng yêu cầu Thường trực Thành ủy TP.HCM cần căn cứ chức năng và nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình dịch bệnh và đặc điểm của từng địa bàn để tổ chức triển khai kịp thời đúng quy định, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch.
Tinh thần được người đứng đầu Chính phủ quán triệt là “có kế thừa, có đổi mới; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện mở rộng dần; không cầu toàn, không nóng vội”.
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM liên tục cập nhật thực tế diễn biến tình hình để chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; đồng thời tiếp tục rút kinh nghiệm bổ sung, hoàn thiện các quy trình, thủ tục phòng, chống dịch cho phù hợp với thực tiễn.
Với tinh thần “Vừa chống dịch, vừa sản xuất”, “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, lãnh đạo Chính phủ lưu ý TP.HCM chống dịch hiệu quả để nhanh chóng ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, nhưng cũng tạo thuận lợi tối đa để các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhà máy và cơ sở sản xuất… tiếp tục hoạt động.
Theo đó, những nơi an toàn, đáp ứng yêu cầu, điều kiện phòng, chống dịch thì có thể tiếp tục cho tổ chức sản xuất, kinh doanh, khuyến khích phương án tạo điều kiện cho công nhân ăn nghỉ trong khuôn viên nhà máy, khu công nghiệp… với những yêu cầu cụ thể, phù hợp.
Đồng thời, thành phố cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan, khẩn trương thống nhất phương án và tổ chức triển khai các giải pháp đồng bộ để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, vận tải hàng hóa giao thương giữa TP.HCM với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc việc phải có kế hoạch cụ thể để bảo đảm cung cấp kịp thời nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra trường hợp có người dân thiếu ăn, thiếu mặc…
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý thành phố khuyến khích, tạo điều kiện để huy động có hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp của xã hội ngoài Nhà nước tham gia phòng, chống dịch; mua sắm trang thiết bị, vaccine phòng dịch, huy động các cơ sở lưu trú, khách sạn đủ điều kiện làm cơ sở cách ly.
Song song với đó, thành phố cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và vận động để nhân dân hiểu, bình tĩnh, chia sẻ và tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch an toàn, hiệu quả; kiên quyết xử lý nghiêm các hoạt động thông tin xuyên tạc, gây nghi ngờ, làm rối nội bộ, nhất là các hành vi, biểu hiện cực đoan, kích động.
Chính phủ kêu gọi toàn dân phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc nhất là trong lúc khó khăn, ủng hộ, chia sẻ, hưởng ứng cùng cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch.
Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng chủ động phối hợp chặt chẽ với TP.HCM trong quá trình triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đời sống tối thiểu của nhân dân.
Trong khi đó, các địa phương cũng được yêu cầu chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, chia sẻ trách nhiệm với TP.HCM; căn cứ trên cơ sở đề nghị của thành phố để hỗ trợ cả nguồn nhân lực và trang thiết bị phòng chống dịch. Đồng thời, các địa phương có phương án tiếp nhận các phương tiện giao thông vận tải, hàng hoá và người đến từ TP.HCM bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, yêu cầu về phòng, chống dịch.
Theo thông tin được Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đưa ra chiều 7/7, TP.HCM sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên toàn địa bàn thành phố từ 0h ngày 9/7. Thời gian áp dụng trong 15 ngày.
Hôm 7/7, Việt Nam tiếp nhận 97.110 liều vaccine phòng Covid-19 của Pfizer/BioNtech. Đây là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021. Dự kiến, có 3 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam trong quý III và 28 triệu liều còn lại về trong quý IV.
Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng gần 5 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, gần 2,5 triệu liều do Covax hỗ trợ, hơn 400.000 liều đặt mua thông qua công ty VNVC, khoảng 2 triệu liều do Chính phủ các nước tặng. Đến ngày 6/7, Việt Nam đã thực hiện tiêm 3.928.001 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 235.570 người |