Chấn chỉnh đội lốt trang trại làm điện mặt trời

Trước việc lợi dụng chính sách để ồ ạt làm điện mặt trời áp mái, nhiều tỉnh yêu cầu kiểm tra, rà soát nhằm chấn chỉnh, tránh việc phá vỡ quy hoạch

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn yêu cầu các huyện, thị xã và TP phối hợp với đơn vị liên quan kiểm tra tất cả công trình điện mặt trời (ĐMT) mái nhà trên địa bàn tỉnh này.

Trang trại trồng… pin mặt trời

Theo công văn này, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các huyện, thị xã và TP Cam Ranh phối hợp với Công ty Điện lực Khánh Hòa kiểm tra tất cả dự án ĐMT có công suất từ 100 KWh trở lên, xác định rõ trường hợp phù hợp và không phù hợp. Công ty CP Điện lực Khánh Hòa tự kiểm tra tất cả công trình ĐMT áp mái trên địa bàn tỉnh có công suất dưới 100 KWh, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công Thương trước ngày 10-7.

Những “dự án” trang trại điện mặt trời mọc trên đất nông nghiệp ở TP Cam Ranh nhưng hầu như chẳng thấy cây trồng, vật nuôi .Ảnh: KỲ NAM

Nội dung là kiểm tra các chủ đầu tư thực hiện dự án ĐMT áp mái đối với các dự án, công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp, phát triển nông thôn. Đồng thời, kiểm tra, rà soát việc chấp hành về đất đai, tiêu chí trang trại và đấu nối theo các quy định của pháp luật. Yêu cầu này được đưa ra sau khi có tình trạng lợi dụng chính sách làm ĐMT áp mái đối với nhiều trang trại nhưng không thấy có chăn nuôi, trồng cây và việc sử dụng đất nông nghiệp sai quy hoạch, không đúng mục đích. Trong đó, nóng nhất ở địa bàn TP Cam Ranh. Từ Quốc lộ 1 rẽ lên phía đồi núi thuộc thôn Hòa Sơn, xã Cam Thịnh Đông chừng 3 km là cánh đồng pin mặt trời khổng lồ, trải dài… Những “dự án” trang trại này hầu hết đã hoàn thành xây dựng và đóng điện. Thế nhưng, bên trong các trang trại này chỉ trồng lèo tèo vài loại cây, vài con gà… còn thì mênh mông pin năng lượng mặt trời. Theo người dân, từ năm 2020 khu vực này bất ngờ có hàng loạt “dự án” trang trại ồ ạt được san ủi, xây dựng, hình thành cánh đồng pin năng lượng mặt trời.

Chủ của rất nhiều trang trại không phải người địa phương mà là người từ Hà Nội, TP Nha Trang ra bỏ vốn đầu tư như trang trại của ông H.T.L (ngụ TP Hà Nội) được xây dựng trên diện tích 10.000 m2, đã đóng điện đi vào hoạt động; ông B.Đ.T (ngụ Hà Nội) xây dựng trang trại trên diện tích gần 12.000 m2 với gần 5.000 m2 diện tích lắp pin mặt trời đã đóng điện, đi vào hoạt động…

Ông Lê Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, cho biết qua kiểm tra TP đã xử phạt 8 trường hợp tương tự vì tự ý xây dựng “trang trại” điện mặt trời không đúng quy hoạch sử dụng đất. Theo ông Thạch, khu vực này trước đây là đất trồng cây, chăn nuôi nhỏ nhưng không thuận lợi vì thiếu hệ thống thủy lợi nhưng nhiều người vẫn đổ xô vào làm trang trại(!?). Hiện tỉnh Khánh Hòa chỉ mới có 9 dự án ĐMT được cấp phép đã đóng điện, đưa vào vận hành với tổng công suất 565MWp. Số dự án lợi dụng chính sách ưu đãi làm dối trang trại để lắp ĐMT áp mới vẫn chưa được cấp phép.

Nhiều dự án đã đấu nối điện

Đắk Lắk cũng là điểm nóng về việc phát triển ồ ạt trang trại ĐMT áp mái. Điều đáng nói, phần lớn các dự án điện áp mái trên trang trại không sản xuất hoặc chỉ mang tính chất đối phó. Thậm chí, rất nhiều trang trại dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn được đấu nối, phát điện.

Tại huyện Cư Kuin có 20 trang trại thì 15 dự án chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được xác nhận là trang trại. Tuy nhiên, tất cả dự án đều đã đấu nối hoặc thỏa thuận đấu nối với Điện lực Đắk Lắk. Tại một dự án trang trại ĐMT áp mái quy mô lớn ở xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi ghi nhận dù đã được đấu nối phát điện nhưng dưới trang trại này chỉ lác đác ít cây đinh lăng để đối phó. Còn tại xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (khu vực giáp với TP Buôn Ma Thuột), hàng loạt dự án được bạt đồi, xẻ núi để làm ĐMT mái nhà.

Ông Hà Văn Chương, Phó Giám đốc Điện lực Đắk Lắk, cho biết hiện có 5.357 khách hàng ĐMT áp mái với công suất gần 650 MW. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các đơn vị liên quan đã tổ chức kiểm tra các dự án này và xác định còn nhiều tồn tại. Trong đó, một số dự án được xây dựng trên đất nông nghiệp và chưa triển khai sản xuất theo đăng ký hoặc triển khai cầm chừng. Theo ông Chương, ngành điện chỉ kiểm tra việc sản xuất điện; trách nhiệm kiểm tra về đất đai là ngành tài nguyên môi trường; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; còn Sở Xây dựng là công trình xây dựng; cơ quan công an là an toàn phòng chống cháy nổ … “Hiện Sở Công Thương đang chủ trì báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo hướng xử lý những tồn tại các dự án ĐMT mái nhà” – ông Chương nói.

Chủ dự án phải thực hiện đúng mục đích được cấp phép

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, cho biết vừa qua đơn vị đã cử lực lượng kiểm tra toàn diện các dự án không làm trang trại nông nghiệp mà chỉ chú trọng vào lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái. Khi bị xác định sai phạm thì chủ đầu tư cho rằng việc làm điện mặt trời áp mái trên trang trại đã có hợp đồng, bán điện cho điện lực. Về việc này Sở Công Thương tỉnh Gia Lai sẽ báo cáo gửi UBND tỉnh Gia Lai để xin hướng xử lý theo hướng yêu cầu các chủ dự án phải thực hiện đúng mục đích được cấp phép. “Việc làm trang trại nông nghiệp mà quay qua làm điện là sai mục đích sử dụng đất. Việc sai này thì Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn phải xử lý, kết luận công trình nông nghiệp này có bảo đảm hay không? Sở Công Thương sẽ thực hiện trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra đấu nối và các vấn đề khác” – ông Binh nói.

H.Thanh