Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 30/6 cho biết, thủy điện carbon thấp là yếu tố quan trọng đối với tích hợp năng lượng mặt trời và gió. Tuy vậy, cơ quan này dự báo, nếu không có chính sách sâu rộng và thúc đẩy đầu tư, thì sản lượng thủy điện sẽ giảm 23% trong thập kỷ này.
Theo Giám đốc Điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế Fatih Birol, nếu các quốc gia trên thế giới muốn đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cần phải đưa thủy điện trở lại chương trình nghị sự về năng lượng và khí hậu.
Bên cạnh việc sản xuất một lượng lớn điện carbon thấp, nhiều nhà máy thủy điện có thể tăng hoặc giảm tốc độ phát điện một cách nhanh chóng, giúp tích hợp nhiều hơn sản lượng điện gió và năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, các dự án thủy điện mới thường diễn ra trong thời gian dài, với quy trình cấp phép phức tạp, chi phí cao và rủi ro từ đánh giá môi trường, đồng thời vấp phải sự phản đối của cộng đồng địa phương.
IEA cho biết, trong năm 2020, thủy điện cung cấp 1/6 sản lượng điện toàn cầu, cao hơn so với tất cả các loại năng lượng tái tạo khác, do đó đã đáp ứng phần lớn nhu cầu điện tại 28 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển với tổng dân số lên đến 800 triệu người.
“Thuỷ điện mang lại tiềm năng kinh tế, nhưng vẫn chưa được khai thác hết, đặc biệt tại những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần có biện pháp giải quyết những khó khăn, đưa ra các tiêu chuẩn bền vững nhằm bảo đảm các dự án mang lại hiệu quả kinh tế và thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư”, IEA nhấn mạnh.