Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND thành phố Đà Nẵng cùng khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật An ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng vào ngày 30/6. Dự án sẽ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng và giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại các khu vực đô thị thông qua phối hợp với chính quyền các thành phố và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN).
Dự án do USAID tài trợ trong giai đoạn 4 năm (2019- 2023) với ngân sách 14 triệu USD và có mục tiêu thúc đẩy triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến ở các khu vực đô thị. Dự án sẽ thực hiện hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến như điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả khác.
Mục tiêu của dự án khi hoàn thành là đạt được các kết quả tại Đà Nẵng như: Triển khai được ít nhất 40 MW điện từ các hệ thống năng lượng phân tán tiên tiến; Huy động được tối thiểu 60 triệu USD đầu tư công và tư cho các hệ thống năng lượng đô thị phân tán tiên tiến và giới thiệu hoặc thương mại hóa ít nhất 5 giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng đô thị và môi trường.
Giám đốc USAID Việt Nam- bà Ann Marie Yastishock chia sẻ: USAID đang hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng có khả chống chịu tốt hơn thông qua động lực là năng lượng tái tạo. Chúng tôi rất mong phối hợp với thành phố Đà Nẵng để thúc đẩy lĩnh vực năng lượng sạch tại địa phương, tiếp cận chuyên môn kỹ thuật và giúp Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng tái tạo toàn cầu và hiện thực hóa các mục tiêu về năng lượng tái tạo.
USAID hiện đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng để triển khai các chiến lược này, trong đó bao gồm thành lập nhóm làm việc về phát triển năng lượng sạch để hỗ trợ Sở Công Thương cũng như công ty điện lực trong việc cải thiện khả năng thích ứng năng lượng đô thị và an ninh năng lượng. Thành lập Giải thưởng về Hiệu suất năng lượng để chính quyền thành phố ghi nhận những DN đã thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và thực hiện một nghiên cứu đánh giá các quy định, chính sách và cơ chế ở cấp quốc gia và cấp địa phương để triển khai và thực thi Kế hoạch Hành động sử dụng năng lượng hiệu quả giai đoạn 2020- 2030.