Buôn lậu ĐVHD trên Facebook và các nền tảng trực tuyến chưa được kiểm soát

Theo các nhà nghiên cứu độc lập và chuyên gia của Cơ quan Cá và ĐVHD Hoa Kỳ (USFWS), chỉ mất vài giây, bất cứ ai cũng có thể tìm được bằng chứng buôn bán ĐVHD trên Facebook. Chỉ cần nhập các từ khóa đơn giản là có thể thu về hàng nghìn bài đăng rao bán ĐVHD và các bộ phận của chúng: ngà voi từ Thái Lan, vảy tê tê từ Việt Nam, gấu chó từ Malaysia. Hổ, sư tử biển, rùa cạn, tê giác, rùa biển và vây cá mập vẫn được rao bán tràn lan dù Facebook cho biết họ đã cấm buôn bán ĐVHD.

Nhà nghiên cứu ĐVHD độc lập Patricia Tricorache cho biết Facebook có trụ sở tại Mỹ và được luật pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Vì vậy, mạng xã hội sở hữu 2,7 tỷ người dùng trên toàn cầu từ lâu đã né tránh trách nhiệm tiếp tay cho hoạt động buôn bán ĐVHD. Nói chính xác là Hoa Kỳ thiếu các hạn chế pháp lý để ngăn chặn Facebook và các công ty internet khác lưu trữ hoạt động bất hợp pháp bao gồm tội phạm ĐVHD. Các quốc gia khác cũng gặp khó trong việc ngăn chặn buôn bán ĐVHD trực tuyến vì không có quyền yêu cầu Facebook phải làm gì.

Một cá thể báo đốm bị rao bán trên Facebook vào năm 2020. Ít nhất 4.000 cá thể báo đốm bị buôn lậu trong thập kỷ qua và chỉ còn 7.000 cá thể được ghi nhận ngoài hoang dã (Ảnh: Center on Illicit Networks and Organized Crime)

Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nạn buôn bán ĐVHD đe dọa nghiêm trọng tới đa dạng sinh học toàn cầu. Hàng ngàn loài bị buôn bán với mục đích thú cưng, thuốc chữa bệnh và phụ kiện thời trang trị giá hàng tỷ đô la. Một nghiên cứu gần đây ước tính buôn bán ĐVHD góp phần suy giảm 60% sự phong phú của loài. Việc internet phần lớn không được kiểm soát càng khiến vấn đề tồi tệ hơn, nhất là khi các nhóm tội phạm chuyển từ tương tác trực tiếp sang buôn bán online trong bối cảnh đại dịch. Đây là lý do khiến nhiều người khuyến khích chính phủ Mỹ hành động và yêu cầu Facebook cùng các công ty truyền thông xã hội giảm buôn bán ĐVHD trực tuyến.

Tháng 5 vừa qua, các thành viên Hạ viện Mỹ đã giới thiệu Dự luật Bảo vệ người tiêu dùng trên mạng nhằm thúc đẩy các công ty trực tuyến ngăn chặn các vụ kiện liên quan đến buôn bán ĐVHD và các hình thức tội phạm internet khác. Mặc dù được giới thiệu trước đó dưới nhiều hình thức nhưng dự luật dường như khó có thể được thông qua, tương tự như các đạo luật từng được đề xuất nhằm buộc các công ty truyền thông xã hội chịu trách nhiệm trong việc lưu trữ nội dung bất hợp pháp.

Chuột túi Wallaby bị rao bán trên Facebook vào năm 2020 (Ảnh: Center on Illicit Networks and Organized Crime)

Gretchen Peters, Giám đốc Liên minh Chống tội phạm trực tuyến (ACCO) cho biết nếu được thông qua, dự luật sẽ thiết lập nguyên tắc “nghĩa vụ cẩn trọng” tức yêu cầu các công ty trực tuyến phải xây dựng bộ hướng dẫn riêng gửi Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) phê duyệt. Dự luật không trông mong các công ty truyền thông xã hội xóa sạch tất cả các hoạt động tội phạm, bao gồm tội phạm ĐVHD, nhưng các công ty phải đảm bảo họ đang làm tất cả những gì có thể để loại bỏ các hoạt động bất hợp pháp trên nền tảng của mình.

Cũng theo dự luật, trong trường hợp các nền tảng không tuân thủ quy định được FTC phê duyệt, họ sẽ mất đi tấm “lá chắn trách nhiệm” vốn được quy định tại Điều 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông năm 1996 (tức bảo vệ các công ty trực tuyến khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung được đăng tải trên nền tảng của họ). Điều 230 chủ yếu được hiểu là bảo vệ quyền tự do ngôn luận, đảm bảo các nền tảng không bị tấn công vì cho phép phát biểu gây tranh cãi. Tuy nhiên, bà Peters cho rằng Điều 230 cũng được sử dụng rộng rãi để cung cấp các biện pháp bảo vệ toàn diện cho bất kỳ điều gì xảy ra trên các nền tảng bao gồm cả hoạt động tội phạm.

“Khi bạn bán cá thể tinh tinh con trên mạng, điều đó không trở thành biểu hiện của sự tự do vì nó xảy ra trên Facebook, nó vẫn là một tội ác, nó là thương mại. Đó là hành vi, không phải lời nói”, bà Peters nhấn mạnh.

Theo bà, Facebook và công ty mạng xã hội khác không chỉ tạo điều kiện cho buôn bán ĐVHD mà còn khuyến khích hoạt động này: “Các thuật toán của họ giúp lan truyền nội dung mạnh mẽ. Họ kết nối mọi người, vì vậy họ giống như một nhà xuất bản hơn là một người chỉ cung cấp dịch vụ email hoặc điện thoại”.

Trong một báo cáo năm 2020, ACCO xác định gần 1/3 số trang buôn bán ĐVHD mà các nhà nghiên cứu phát hiện được gợi ý thông qua tính năng “Các trang liên quan” của Facebook. Tuy nhiên, ACCO không ủng hộ việc loại bỏ Điều 230 mà muốn sửa đổi theo hướng làm rõ hành vi phạm tội không phải là lời nói. Khi đó, các công ty công nghệ có thế bị kiện vì cho phép hoạt động phạm pháp diễn ra.

Ngà voi bị rao bán trên Facebook vào năm 2017. Buôn bán ngà diễn ra trên khắp thế giới (Ảnh: Center on Illicit Networks and Organized Crime)
Ngà voi bị rao bán trên Facebook vào năm 2017 (bên trái và ở giữa) và 2020. (Ảnh: Center on Illicit Networks and Organized Crime)

“Chúng tôi đấu tranh cho một nguyên tắc đơn giản, đó là nếu điều gì là bất hợp pháp trong đời thực thì việc lưu giữ nó trên hình thức trực tuyến cũng là bất hợp pháp”, Peters cho biết. Những nguyên tắc này bao gồm tất cả các hành vi bất hợp pháp  như buôn người, buôn ma túy… và theo bà, giải quyết những vấn đề cùng một lúc sẽ hiệu quả hơn giải quyết từng vấn đề riêng lẻ.

Trong khi tiếp tục vận động để dự luật trở thành đạo luật chính thức, các nhà vận động cũng kêu gọi áp dụng các quy định hiện hành để hạn chế buôn bán ĐVHD trực tuyến, bao gồm các quy tắc bảo vệ cổ đông khỏi tội ác của các công ty đại chúng.

Báo đốm bị rao bán trên Instagram vào năm 2017. (Ảnh: Patricia Tricorache)
Báo đốm bị rao bán trên Snapchat vào tháng 3/2021 (trái) và 2017 (phải) (Ảnh: Patricia Tricorache)

Trên thực tế, trong những năm gần đây, Facebook cũng xóa bỏ nhiều tài khoản liên quan đến buôn bán ĐVHD nhưng hầu hết các trang bị xóa đều bằng tiếng Anh trong khi phần lớn giao dịch diễn ra bằng các ngôn ngữ khác. Năm 2019, Facebook từng đưa ra các chính sách cấm buôn bán ĐVHD trái phép nhưng các nhà nghiên cứu cho biết hoạt động buôn bán vẫn không xê dịch. Năm 2018, Facebook và các công ty truyền thông xã hội tham gia Liên minh chấm buôn bán ĐVHD trực tuyến nhằm loại bỏ 80% hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép khỏi các nền tảng của người tham gia vào năm 2020 nhưng trong khi một số công ty đạt được tiến bộ thì Facebook chỉ tạo ra công cụ để người dùng báo cáo vi phạm. Thậm chí hoạt động buôn bán ĐVHD trên Facebook từ năm 2018 còn gia tăng đáng kể, ACCO cho biết.

Facebook có nhiều khả năng hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật trong phòng chống buôn bán ĐVHD nhưng hiếm khi chọn cơ hội này. Stephen Guertin, Phó Giám đốc chính sách của Cục Cá và ĐVHD Hoa Kỳ cho biết đa số các vụ điều tra của Cục liên quan đến hoạt động trên mạng xã hội nhưng Cục gặp nhiều khó khăn do Facebook không tự nguyện hợp tác mà thủ tục pháp lý trao đổi khá dài dòng. Các cơ quan liên quan không có đủ thẩm quyền yêu cầu Facebook cung cấp thông tin liên quan tới các hoạt động tội phạm có thể diễn ra và đối với Facebook, những yêu cầu từ phía chính phủ cũng chỉ được họ xem như yêu cầu hỗ trợ khách hàng vậy. Ngoài Facebook, tội phạm ĐVHD có thể sử dụng rất nhiều nền tảng khác nhau, do đó việc tất cả các công ty truyền thông xã hội cùng nhau hành động là vô cùng quan trọng.

Thằn lằn xanh bị rao bán trên Facebook vào năm 2020 (Ảnh: Center on Illicit Networks and Organized Crime)

Về nguồn lực phòng chống buôn bán ĐVHD trên mạng, bà Peters cho rằng mặc dù đa phần hoạt buôn bán ĐVHD toàn cầu đã chuyển sang hình thức trực tuyến nhưng đa phần nguồn lực bảo vệ động vật vẫn chủ yếu đầu tư vào các hoạt động thực tế. Những nhà tài trợ cho bảo tồn thường nghi ngờ hiệu quả của việc phòng chống buôn bán ĐVHD trên mạng khiến cho những vụ điều tra online khó nhận được tài trợ. Những nhà vận động cho rằng vấn đề về nguồn vốn có thể được giải quyết nếu những công ty truyền thông xã hội phối hợp với những nhà bảo tồn trong việc phát hiện các tài khoản có vấn đề. Họ không có đủ chuyên môn hoặc khả năng để xác định các loài được bảo vệ nhưng họ có thể nhờ những nhóm bảo tồn độc lập tư vấn khi tìm ra những vụ việc nghi ngờ là buôn lậu.

Sơn Thủy (Theo Mongabay)

Nguồn: