Bị ảnh hưởng bởi nạn hạn hán, rắn đuôi chuông và nhiều loài động vật khác phải rời bỏ nơi sống quen thuộc và mò vào các thành phố bang California, Mỹ.
Chủ sở hữu công ty diệt rắn đuôi chuông, ông Lvi Ramirez, đang bận rộn loại bỏ rắn khỏi nhà dân trên khắp miền Bắc California, Guardian đưa tin.
Ông đã tìm thấy ba con rắn chỉ trong khoảng sân trước một nhà. Trong đó, một con đang giấu mình cách hồ bơi hơn 900 m.
Ngày nay, rắn chuông có mặt ở khắp nơi, từ hiên nhà, chậu cây, cho đến những nơi vui chơi của trẻ em, ông cho biết.
“Tôi bận rộn hơn bao giờ hết. Những lời phàn nàn đang đến từ khắp tiểu bang”, ông Ramirez nói. “Rắn chuông đang xuất hiện nhiều hơn ở những nơi chúng tôi sống, làm việc và vui chơi”.
Ông Ramirez cho biết đã có lúc ông loại bỏ hơn 60 con rắn cùng ngày.
Bắt đầu hoạt động kinh doanh vào năm 1985, ông cho hay số lượng rắn đuôi chuông ghi nhận tăng lên từ năm đó. Ông tin rằng hạn hán có thể là một phần nguyên nhân.
Một trong những lý do chính ngày càng nhiều người nhìn thấy loài động vật này là những con rắn đang tìm đường vào thành phố, các khu vực đô thị để ẩn náu khi nhiệt độ tăng cao và môi trường sống cũ trở nên khô cằn.
Không chỉ rắn mà nhiều loài động vật khác cũng đang phải vật lộn để tìm cách sinh tồn giữa nạn hạn hán khắc nghiệt ở Mỹ.
Khi nguồn tài nguyên thiết yếu bắt đầu cạn kiệt, các loài động vật hoang dã xuất hiện nhiều quanh các khu vực ngoại ô thành phố để tìm kiếm nước, thức ăn.
Các bác sĩ thú y đã báo cáo số lượng động vật, đặc biệt là gấu đang mạo hiểm tiến sâu hơn vào các khu vực đô thị, ngày càng tăng lên.
“Quần thể gấu đang mở rộng phạm vi sinh sống. Gấu đang xuất hiện ở những khu vực mà chúng chưa từng thấy trước đây”, nhà sinh vật học Rebecca Barboza cho biết.
Một số loài động vật và côn trùng có khả năng gây hại cũng xuất hiện ngày càng gần xã hội con người để tìm kiếm thức ăn, nước uống.
Những con chim có thể mang virus Tây sông Nile, gây ra căn bệnh thần kinh chết người, đang được nhìn thấy nhiều hơn ở đằng sau các sân nhà của người Mỹ.
“Hạn hán thường đẩy động vật gây hại vào nhà hoặc các công trình kiến trúc khác để tìm kiếm nguồn thức ăn và tồn tại”, ông Mike Bentley, nhà côn trùng học cho biết.
“Điều này có thể có nghĩa là loài gặm nhấm sẽ làm tổ trong các khoảng trống trên tường, kiếm ăn từ những túi rác thay vì trú ở các hang dưới đất. Tương tự, kiến cũng di chuyển vào chậu cây để làm sinh sống và ăn thức ăn thừa của con người đêm qua”.