Các tập đoàn khai thác quốc tế đang thúc đẩy việc khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản trù phú dưới đáy đại dương, bất chấp những tác động to lớn về môi trường có thể xảy đến.
Sâu dưới bề mặt đại dương hàng nghìn mét là đáy biển, phần lớn bề mặt của nó chưa được con người khám phá.
90% đại dương và 50% bề mặt Trái Đất là các vùng biển sâu hơn 200 m. Tới nay, con người mới chỉ chạm tới 0,0001% bề mặt đáy đại dương. Khám phá đáy biển là nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn về công nghệ, cùng chi phí đắt đỏ.
Nhưng bất chấp những rào cản ấy, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang chạy đua để tiếp cận đáy biển, nơi được coi sở hữu nguồn tài nguyên vô giá.
“Viên pin trong đá”
Bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển là vùng biển quốc tế, nơi không quốc gia nào có chủ quyền.
Mọi hoạt động của con người tại vùng đáy biển quốc tế được quản lý bởi Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (ISA). Từ năm 1982, ISA đã 30 lần cấp phép cho hoạt động thăm dò khoáng sản ở đáy đại dương.
Tổng diện tích khu vực đã được cấp phép thăm dò là 1,4 triệu km2, đa phần nằm ở khu vực vết đứt gãy Clarion-Clipperton (CCZ) tại Thái Bình Dương.
Giới doanh nghiệp quan tâm tới các nốt đa kim, đây là những búi quặng nằm rải rác trên bề mặt đáy đại dượng, giàu mangan, nickel và các kim loại đất hiếm.
Những nốt đa kim này có đường kính khoảng 10 cm. Chúng hình thành với tốc độ rất chậm, kích thước của chúng chỉ tăng lên vài cm sau mỗi 1 triệu năm.
DeepGreen, một công ty mới thành lập trong ngành khai thác đáy biển, miêu tả những nốt đa kim là “viên pin trong tảng đá”. Công ty này coi khai thác khoáng sản ở đáy biển là một lựa chọn thay thế, ít hủy hoại môi trường và gián đoạn xã hội hơn so với khai thác trên mặt đất.
Bởi các nốt đa kim chứa những kim loại cần trong sản xuất pin dùng cho xe điện, việc khai thác chúng có vai trò quan trọng giúp chuyển đổi nền kinh tế sang hình thức thân thiện hơn với môi trường, DeepGreen cho biết.
“Chúng tôi tin rằng các nốt đa kim là nguồn kim loại sạch nhất, việc khai thác gây ít tác động nhất tới Trái Đất”, DeepGreen viết trên website.
DeepGreen đề xuất gửi tàu tới CCZ, dùng đường ống dài hút các nốt đa kim từ đáy biển. Chúng sẽ được xử lý ngay trên tàu, các trầm tích dư thừa được thải ra biển cả.
Tới nay, ISA mới chỉ cấp phép thăm dò trên vùng đáy biển quốc tế, hoạt động khai thác vẫn bị cấm. Tuy nhiên, ISA đang hoàn thiện khuôn khổ quy định cho khai thác đáy biển. DeepGreen cho biết việc khai thác có thể bắt đầu từ 2024.
Chưa hiểu rõ tác động môi trường
Hiện có những lo ngại về tác động môi trường mà hoạt động khai thác đáy biển có thể tạo ra cho hệ sinh thái biển, đặc biệt trong bối cảnh con người vẫn chưa biết nhiều về các loài sinh vật sống ở đáy biển, cũng như thực tế tốc độ sinh trưởng ở độ sâu như vậy là rất chậm.
Năm 1978, một cuộc thử nghiệm đã được tiến hành ở khu vực CCZ, trong đó các nhà khoa học đưa các nốt đa kim từ đáy biển lên mặt nước.
Khi kiểm tra lại khu vực này vào năm 2004, các nhà khoa học phát hiện dấu vết hoạt động khai thác từ 26 năm trước vẫn hiện rõ trên bề mặt đáy biển. Đa dạng sinh học tại khu vực này cũng giảm mạnh.
“Chúng ta đang nói đến nguy cơ hủy diệt môi trường sống ở đáy biển. Bất cứ khu vực nào có khai thác, nơi ấy sẽ bị phá hủy”, Duncan Currie, luật sư chuyên ngành luật đại dương, cho biết.
Currie là người đại diện của Liên minh Bảo tồn Biển sâu quốc tế. Tổ chức này hiện kêu gọi hoãn mọi hoạt động khai thác ở đáy biển.
Diva Amon là nhà sinh vật học làm việc tại Bảo tàng Lịch sử London. Trong 15 năm khám phá đáy đại dương, Amon từng tham gia dự án của Anh thăm dò CCZ để nghiên cứu khả năng khai thác khoáng sản.
“Chúng tôi phát hiện những loài động vật lớn, hơn một nửa là những loài mà khoa học chưa từng biết đến, cuộc sống của chúng phụ thuộc vào những nốt trên bề mặt đáy biển. Vì thế khai thác tại những khu vực ấy có thể gây ra tác động tiêu cực lớn”, ông Amon cho biết.
Bên cạnh đó, ông Amon cho biết đại dương là môi trường đa dạng sinh học lớn nhất Trái Đất, chiếm 96% không gian sinh sống của các loài vật. Vì thế, việc khai thác đáy biển có nguy cơ hủy hoại không gian bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng bậc nhất của hành tinh.
Các lo ngại về môi trường khác bao gồm ô nhiễm tiếng ồn ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp và săn mồi của các loài sinh vật, hoạt động của thiết bị khai thác làm tăng nhiệt độ nước.
Ngoài ra, các phương tiện khai thác cũng như vật liệu do hoạt động khai thác thải ra có thể ảnh hưởng tới các sinh vật sống ở đáy biển.
Theo ông Currie, lo ngại lớn nhất là tác động từ trầm tích sau quá trình xử lý nốt đa kim. Sau khi quặng xử lý trên tàu, những trầm tích còn lại sẽ được bơm trở lại đại dương và thải ra ở độ sâu 1.500 m.
“Trầm tích sẽ được liên tục đưa trở lại đại dương. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, nó sẽ chìm xuống biển hay trồi lên mặt nước, liệu nó có ảnh hưởng tới sự sinh sản của các loài sinh vật hay không? Tác động của chúng là rất quan trọng, nhưng chúng ta hầu như chưa biết gì”, ông Currie cảnh báo.
Lo ngại gia tăng ở Thái Bình Dương
Mắc kẹt trong chiến dịch vận động cho phép thăm dò, khai thác đáy biển là các quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Muốn được cấp phép thăm dò đáy biển, các công ty cần được một quốc gia bảo trợ. Trong số những quốc gia đã ủng hộ các công ty thăm dò đáy biển có những quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương như Tonga, Cook Islands, Nauru hay Kiribati.
DeepGreen được 3 quốc gia Thái Bình Dương là Nauru, Tonga và Kiribati bảo trợ thăm dò đáy biển ở khu vực. Tập đoàn này là một trong những công ty lên tiếng mạnh mẽ nhất về khả năng khai thác thương mại đáy biển trong tương lai gần.
DeepGreen và Nauru, quốc gia với chỉ 12.000 dân, có mối quan hệ đặc biệt khăng khít khiến nhiều chuyên gia môi trường lo ngại.
Trong phiên họp toàn thể các nước thành viên ISA năm 2019, giám đốc điều hành của DeepGreen khi đó là Gerard Barron đã phát biểu thay mặt cho Nauru.
“Tất cả đều ngã ngửa. Chưa bao giờ có tiền lệ một nhà thầu được ngồi vào vị trí của quốc gia thành viên”, Anna Metaxas, giáo sư hải dương học của Đại học Nova Scotia, cho biết.
Người phát ngôn của DeepGreen sau đó tuyên bố ông Barron tham dự phiên họp của ISA với tư cách thành viên phái đoàn Nauru, và được Nauru trao cơ hội phát biểu chính thức.
“Các nước Thái Bình Dương đặc biệt dễ bị tổn thương. Họ có nền kinh tế mong manh. Khai thác đáy biển là một cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ nếu họ làm đúng cách, nếu ngành này thành công. Tôi chắc chắn viễn cảnh đó rất hấp dẫn. Nhưng tôi hy vọng có ai đó khuyên họ rằng có rủi ro lớn phía sau”, giáo sư Metaxas cho biết.
Các chuyên gia bày tỏ lo ngại về cân bằng quyền lực giữa một bên là các quốc gia nhỏ bé ở Thái Bình Dương, bên kia là các tập đoàn khai thác khổng lồ, khi họ liên kết khai thác đáy biển. Ví dụ như Nauru, quốc gia này có dân số khoảng 12.000, không lớn hơn quy mô lao động của các tập đoàn khai thác quốc tế.
Một số ý kiến quan ngại các nước nhỏ không đủ khả năng giám sát hoạt động của các tập đoàn lớn, dẫn tới những hệ lụy chưa thể lường trước.
Để có thể khai thác đáy biển, các công ty cần được ISA cấp phép. Trước khi có thể cấp phép khai thác, ISA phải thông qua bộ quy tắc khai thác đáy đại dương. Bộ quy tắc này ban đầu dự kiến được công bố và thông qua vào tháng 7/2020. Nhưng bởi Covid-19, hoạt động này đã bị hoãn.
Tuần qua, ISA thông báo sẽ triệu tập phiên họp trực tiếp trong năm 2021 để thảo luận về bộ quy tắc nói trên.
Nhiều quốc gia đã kêu gọi ISA cẩn trọng. Đầu tháng 6, Hội đồng châu Âu khuyến nghị các nước thành viên thúc đẩy lệnh cấm khai thác đáy biển cho tới khi hiểu rõ các tác động tới môi trường.
Nhưng giới lãnh đạo của DeepGreen cho biết nếu ISA chậm trễ thúc đẩy thông qua bộ quy tắc về khai thác đáy biển, công ty này có thể sử dụng một quy định cho phép quốc gia thành viên thông báo tới ISA rằng nhà thầu mà quốc gia này bảo trợ có ý định bắt đầu khai thác đáy biển.
Khi đó, ISA có hai năm để hoàn tất các quy định về khai thác đáy biển. Nếu bộ quy tắc này không được thông qua, ISA bắt buộc phải cho phép hoạt động khai thác được bắt đầu, và luật áp dụng cho việc khai thác là các quy định đang có sẵn.
Xét tới quan hệ gắn bó giữa DeepGreen và Nauru, kịch bản trên rất có thể sẽ xảy ra.