Nỗ lực bảo tồn loài mèo lớn ở Thái Lan

Hổ Đông Dương đã bị tuyệt chủng ở Campuchia, Lào và Việt Nam. Ngày nay, thành trì của chúng chỉ còn lại ở Thái Lan với hơn 24 cá thể sinh sống tại khu rừng giáp biên Myammar. Nếu có một phép màu giúp loài mèo lớn này có thể phân bố trở lại Đông Dương thì Thái Lan là hy vọng duy nhất, tác giả Gregory McCann nhận định.

Hổ Đông Dương chụp bằng bẫy ảnh tại Khu bảo tồn Huai Kha Kaeng, Thái Lan (Ảnh: Sukmasuang, Phòng thí nghiệm Silvis của Trường Đại học Winconson-Madison)

Gregory McCann cho rằng tương tự với hổ Đông Dương, loài báo Đông Dương cũng bị săn đuổi khỏi Việt Nam và Lào hơn một thập kỷ trước nhưng một số ít vẫn còn tồn tại ở Cảnh quan Đồng bằng phía Đông (EPL) thuộc tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Chúng là nạn nhân của một chiến dịch giăng bẫy bao phủ khắp Đông Dương với hàng triệu chiếc bẫy thô sơ được đặt với mục tiêu ban đầu là săn lợn rừng (chứ không phải hổ, báo), tuy nhiên, hậu quả mà các loại bẫy thủ công, đặc biệt là bẫy dây để lại vô cùng khủng khiếp: các loài chó rừng trở nên quý hiếm, báo hoa mai Đông Dương gần đây tuyệt chủng cục bộ và báo hoa mai chỉ còn thu hẹp ở khu vực EPL.

Bức tranh ở Thái Lan dường như có hy vọng hơn với loài mèo lớn. Gregory McCann bật mí là tại Thái Lan, Tổ chức Freeland đã bảo vệ rất hiệu quả một cụm khu bảo tồn và ghi nhận tới ba thế hệ hổ tại đây, hiện những cá thể này đang di chuyển về phía Campuchia và Lào.

Cũng tại Thái Lan, Khu liên hợp Rừng phía Tây (WFC) bao gồm 19 khu bảo tồn hiện là nơi chung sống của hổ, báo hoa mai Đông Dương cùng heo vòi Mã Lai, voi, bò tót, báo mây, vượn, nai và nhiều loài động vật khác. Thậm chí, những cá thể mèo lớn đang dần di chuyển ra bên ngoài phạm vi phía Bắc của WFC, và có những cá thể được ghi nhận cả ở Nam Thái Lan. WFC được hỗ trợ bởi một số một số khu bảo tồn giáp biên với Myammar nên khi các đơn vị kết hợp với nhau, chúng tạo thành Cảnh quan Dawna-Tenasserim, một trong những thiên đường tự nhiên tuyệt vời còn sót lại ở Đông Nam Á.

Hồng hoàng ở Vườn quốc gia Kaeng Krachang, Thái Lan (Ảnh: tontantravel/Flickr)

Theo McCann, có nhiều lý do để Thái Lan đạt được thành công bảo tồn, trong đó phải kể tới việc Cục Vườn Quốc gia Thái Lan đầu tư trang bị cho nhân viên và và làm việc mật thiết với các tổ chức như Freeland để ứng dụng tuần tra thông minh (SMART).

Kiểm lâm Thái Lan kiểm tra vết chân của hổ Đông Dương (Ảnh: Gregory McCann)

Nói tóm lại, Thái Lan là hy vọng cuối cùng cho các loài động vật hoang dã đang bị suy giảm mạnh tại Đông Nam Á. Các quỹ và nỗ lực bảo tồn nên chú trọng tuần tra và thực thi pháp luật để đảm bảo Thái Lan không bị suy giảm đa dạng sinh học như các nước láng giềng. Các nghiên cứu và báo cáo không đủ để ngăn chặn việc tận diệt động vật mà cần hành động thực tế.

Báo gấm (Ảnh: Rhett A. Butler, Mongabay)

Dù vậy, Thái Lan cũng tồn tại không ít nguy cơ đối với động vật hoang dã, nhất là vấn nạn săn trộm, đầu độc động vật và việc mở rộng các dự án phát triển tác động trực tiếp tới các khu vực bảo tồn trọng yếu. Đây cũng là lý do khiến quốc gia này và ba nước Đông Dương không ngừng nỗ lực đầu tư cho các hoạt động bảo tồn với hy vọng giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng loài và khôi phục các loài quý hiếm bằng mọi giá.

Sơn Thủy (Theo Mongabay)

Nguồn: