Từ xung đột tài nguyên đến vi khuẩn tái sinh, các mối đe dọa hàng đầu xuất hiện trên thế giới.
Theo Nikkei Asian Review, các loại vi khuẩn bị chôn vùi dưới lớp bang hàng nghìn năm ở Bắc Cực đang tái sinh, gây ra vô số mối đe dọa đối với nền văn minh nhân loại.
Khi các chính phủ nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu, nhiệt độ ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp đôi so với các nơi khác trên thế giới. Những tác động hàng đầu toàn cầu trong năm nay với một cuộc bầu cử ở Greenland đã ngăn cản tham vọng của Trung Quốc tại đây.
Sự tan chảy nhanh chóng của lớp băng ở Greenland – 532 tỉ tấn băng đã bị sập vào năm 2019, mức tổn thất lớn nhất từng được đo lường – đã mở ra khả năng khai quật các kim loại đã bị băng bao phủ.
Điều này đã thu hút Trung Quốc, quốc gia chiếm 60% sản lượng kim loại đất hiếm toàn cầu. Công ty đất hiếm lớn nhất của Trung Quốc Shenghe Resources đã ký kết phát triển một mỏ ở bờ biển phía nam của Greenland.
Dự án gây tranh cãi đã trở thành một vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tháng 4 ở lãnh thổ Đan Mạch, giúp đảng ủng hộ môi trường giành chiến thắng và đánh bại chiến lược của Bắc Kinh.
Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, với các ứng dụng bao gồm xe điện và tuabin gió. Nhu cầu toàn cầu sẵn sàng tăng cao khi các quốc gia đặt ra mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Nhu cầu đối với một số loại đất hiếm được sử dụng trong xe điện dự kiến sẽ vượt quá nguồn cung vào năm 2025.
Greenland tự hào có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 7 thế giới. Việc Bắc Kinh quan tâm đến địa điểm trọng yếu này cho các kế hoạch khử cacbon đang khiến các quốc gia khác lo lắng. Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đến thăm Greenland và kêu gọi thắt chặt quan hệ giữa 2 nước.
Trong khi đó, Mỹ, châu Âu và Nga đang tranh giành quyền tiếp cận các tuyến đường du lịch Bắc Cực do băng tan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho rằng biến đổi khí hậu là một “lực lượng gây mất ổn định sâu sắc cho thế giới của chúng ta” trong một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào tháng 4.
Ngoài những lo ngại về địa chính trị, sự tan chảy của Bắc Cực gây ra nhiều mối đe dọa trực tiếp hơn, vì sự biến mất của băng dẫn đến việc giải phóng các chất độc hại.
Các hố khổng lồ giống như hố va chạm thiên thạch đã bắt đầu xuất hiện ở Siberia, với một hố được tạo ra vào năm ngoái sâu 30 m và rộng 25 m. Hồi tháng 2, các nhà khoa học đã kết nối hiện tượng này với các vụ phun trào của khí dưới lòng đất, đặc biệt là khí me-tan, thổi qua lớp băng vĩnh cửu bị suy yếu do nhiệt độ ấm lên.
Ước tính có gần gấp đôi lượng carbon bị đóng băng trong lớp băng vĩnh cửu so với trong khí quyển, dưới dạng chất hữu cơ – cụ thể là xác động thực vật. Khi bang tan, chúng được tiêu hóa bởi các vi sinh vật, từ đó tạo ra carbon dioxide hoặc me-tan, dẫn đến sự ấm lên hơn nữa làm tăng tốc quá trình tan băng.
Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn có nguy cơ chống lại nỗ lực của các quốc gia trong việc hạn chế khí thải và gây nguy hiểm cho mục tiêu của hiệp định khí hậu Paris là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ C so với mức trước Cách mạng Công nghiệp.
Các nhà nghiên cứu cũng đã kết nối đợt bùng phát bệnh than năm 2016 ở miền tây Siberia với các bào tử tiết ra từ một con tuần lộc đông lạnh hàng thập kỷ bị rã đông trong đợt nắng nóng năm đó.
Khu vực này tiếp tục chứng kiến nhiệt độ cao bất thường, với thị trấn Verkhoyansk ở miền bắc Siberia lên tới 38 độ C vào tháng 6 năm ngoái. Nhiệt độ trung bình ở Siberia trong nửa đầu năm 2020 cao hơn 5 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn 1981-2010.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu từ châu Âu và Nga kết luận về đợt nắng nóng này là không thể xảy ra nếu không có sự thay đổi khí hậu do con người gây ra.
Hồi tháng 1, các nhà nghiên cứu gọi biến đổi khí hậu là “mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong thế kỷ 21” do nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ngày càng gia tăng. Những căn bệnh này có thể đến Nhật Bản qua các loài chim di cư hoặc các vật trung gian truyền bệnh khác. Những gì đang xảy ra ở Bắc Cực không còn là một vấn đề xa vời có thể dễ dàng gạt sang một bên như trước đây.