Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) António Guterres cho biết, cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang làm trầm trọng thêm và gia tăng các thảm họa liên quan đến nước, gây nguy hiểm cho cuộc sống và sinh kế của người dân.
“Trong nhiều thập kỷ, thiên tai là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng, buộc khoảng 26 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo mỗi năm và làm đảo ngược sự phát triển… Thiên tại hầu như luôn có mối quan hệ với nước, cho dù đó là lũ lụt, bão tố, hạn hán, sóng thần hoặc lở đất”, Tổng thư ký António Guterres cho biết.
Các xu hướng nguy hiểm
Theo người đứng đầu LHQ, trong hai thập kỷ qua, các thảm họa liên quan đến khí hậu đã tăng gần gấp đôi so với 20 năm trước đó, ảnh hưởng đến hơn 4 tỷ người. Ông nói, những thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và dẫn đến thiệt hại kinh tế hơn 2,97 nghìn tỷ USD.
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi các mô hình mưa, ảnh hưởng đến lượng nước sẵn có, kéo dài thời gian khô hạn và nắng nóng, đồng thời làm tăng cường độ của các cơn lốc xoáy, có thể dẫn đến các trận lũ lụt kinh hoàng.
“Những xu hướng này tạo ra những thách thức to lớn đối với những nỗ lực của chúng tôi nhằm xây dựng các cộng đồng và xã hội bền vững và có khả năng phục hồi hơn bằng cách thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, người đứng đầu LHQ cho biết, đồng thời cảnh báo những xu hướng sẽ tăng tốc trong suốt Thập kỷ hành động.
Đến năm 2030, các dự báo cho thấy nhu cầu nhân đạo tăng vọt 50% xuất phát từ các thảm họa liên quan đến khí hậu.
Tăng cường cam kết
Hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C thông qua Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) là yếu tố quan trọng để đạt được mức giảm phát thải 45% vào năm 2030 và đạt mức “không phát thải ròng” vào năm 2050. Tuy nhiên, ông Guterres cho biết: “Chúng ta còn xa mới đạt được những mục tiêu này. Các cam kết hiện tại là không đủ và lượng khí thải tiếp tục tăng. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp”.
Đồng thời, các quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu thiếu không gian tài chính để đầu tư vào thích ứng và chống chịu.
“Năm ngoái, các cơn lốc xoáy đã tấn công bờ biển của nhiều quốc gia vốn đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng và gánh nặng nợ nần, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn bởi đại dịch COVID-19”, ông Guterres cho biết.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Guterres đã vận động các quốc gia giàu có huy động 100 tỷ USD hàng năm để hỗ trợ các nước đang phát triển và kêu gọi 50% tài chính khí hậu được sử dụng để xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng.
Ông Guterres nói thêm: “Chúng ta phải đảm bảo rằng nguồn tài chính này sẽ đến tay những người cần nhất, đặc biệt là các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất… bên bờ vực khủng hoảng khí hậu”.
Phục hồi, tái thiết mạnh mẽ hơn
Phòng ngừa và chuẩn bị sẵn sàng là điều cần thiết để ứng phó và phục hồi sau đại dịch COVID-19. Điều này có nghĩa là cần đầu tư vào khả năng phục hồi, đáp ứng các thách thức về quản lý nước và cung cấp các dịch vụ về nước và vệ sinh cho tất cả mọi người.
“Đại dịch COVID-19 được gây ra bởi loại nguy cơ sinh học được dự báo trong Khung Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai, trong đó nhấn mạnh việc giải quyết nhiều mối nguy và rủi ro liên kết với nhau”, Tổng Thư ký LHQ nhắc lại, đồng thời kêu gọi mọi người “áp dụng lăng kính đó” vào việc hoạch định chính sách, giảm thiểu rủi ro thiên tai, phục hồi từ đại dịch và thích ứng với khí hậu.
Các biện pháp phục hồi phải bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học, đồng thời khắc phục những thiệt hại đã xảy ra.
Đầu tư vào tương lai
Người đứng đầu LHQ cho biết: “Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu là đầu tư cho tương lai”.
Mặc dù hơn 100 nước có chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai ít nhất là phù hợp một phần với Khung Sendai, nhưng hàng chục nước vẫn chưa có.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng, cứ 1 USD đầu tư vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu với thảm họa sẽ tiết kiệm được 4 USD cho việc tái thiết, đồng thời kêu gọi các quốc gia và chính quyền địa phương đẩy nhanh việc thực hiện. Ông cũng nhắc nhở rằng thiên tai đã cản trở các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), Sendai và Thỏa thuận Paris.
Nhận định LHQ là “đối tác kiên định trong việc giải quyết các vấn đề về nước và thảm họa”, Tổng Thư ký LHQ chỉ ra Thập kỷ hành động và Hội nghị về nước năm 2023 là những cơ hội để chuyển đổi quản lý nước và đạt được các SDG liên quan đến nước.