Các nhà khoa học tại Viện Virus học Quốc gia Ấn Độ lần đầu tiên xác định được virus Nipah trên loài dơi ở bang Maharashtra.
Thông tin được đăng tải trên tạp chí về các bệnh lây nhiễm và sức khoẻ cộng đồng The Journal of Infections and Public Health.
Virus Nipah thường tìm thấy ở dơi “cáo bay” – loài dơi lớn nhất thế giới – và chuột. WHO đã xếp virus Nipah vào danh sách 10 loại virus nguy hiểm nhất thế giới.
Loại virus này lần đầu tiên được xác định ở Malayasia vào năm 1998-99 trong một đợt bùng dịch giống bệnh viêm não ở lợn và những người chăn nuôi lợn. Sau đó, dịch bệnh đã bùng phát ở các nước như Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ và Singapore.
Virus thường lây cho những người đã ăn trái cây dính nước bọt của con vật mang mầm bệnh. Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị hoặc vaccine nào chống lại virus này và tỉ lệ tử vong trong số các ca bệnh lên tới 40-75%.
Trước đó, ở Ấn Độ ghi nhận 4 đợt bùng phát đại dịch do virus Nipah gây ra. Ấn Độ thông báo phát hiện virus Nipah vào năm 2001 và 2007 ở bang Tây Bengal. Hai lần còn lại vào năm 2018 và 2019 là ở bang Kerala.
Các nhà khoa học lưu ý, kể từ tháng 3.2020, họ đã kiểm tra mẫu 80 con dơi thuộc loài Rousettus leschenaultii và Pipistrellus Pipistrellus sống trong hang động Mahabaleshwara và tìm thấy ARN cùng kháng thể chống virus Nipah trong cơ thể chúng.
“Những đợt tái bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm, tỉ lệ tử vong cao, lây truyền từ người sang người và tình trạng thiếu vaccine cũng như thuốc kháng virus hiệu quả đang gây lo ngại nghiêm trọng ở Ấn Độ, bởi dơi rất phổ biến ở những khu vực đông dân cư” – các nhà nghiên cứu cho biết trong bài báo.
Các chuyên gia tuyên bố rằng, phát hiện này đòi hỏi phải nghiên cứu thêm vì chưa thể rút ra kết luận nào chắc chắn.