Dù mới chỉ được người mua hứa hẹn trả 300 nghìn đồng tiền công nhưng Trần Ngọc Lan (SN 1976), trú tại xóm Máy 2, xã Hòa Bình (TP Hòa Bình) vẫn cùng Nguyễn Thị Oanh (SN 1979) vận chuyển con rắn hổ mang chúa về TP Hòa Bình để tiêu thụ.
Theo thẩm phán Đinh Trường Sơn, TAND TP Hòa Bình, bản án 12 tháng tù (nhưng cho hưởng án treo) về hành vi “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm” theo điểm a, khoản 1, Điều 244, Bộ luật Hình sự đối với Trần Ngọc Lan là hình phạt nghiêm khắc, có tính răn đe không chỉ với những bị cáo trong vụ án này, mà cũng là lời cảnh tỉnh cho những kẻ bất chấp quy định pháp luật, bị đồng tiền làm lóa mắt để thực hiện hành vi phạm tội.
Trên thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên đẩy mạnh công tác đấu tranh, xử lý nghiêm khắc các đối tượng “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm”. Ngày 22/1/2021, tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy), Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) chủ trì, phối hợp Công an huyện Lạc Thủy phát hiện, bắt quả tang đối tượng Đặng Văn Bảy (SN 1969), trú tại xã Yên Bồng (Lạc Thuỷ) vận chuyển trái phép 3 cá thể rắn hổ mang chúa (thuộc nhóm 1B), trọng lượng khoảng 7 kg đi tiêu thụ. Tiếp đó, qua công tác nắm tình hình, Đội Phòng ngừa, đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ (Đội 3) – Phòng Cảnh sát kinh tế phát hiện trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có đối tượng Bùi Văn Điệp (SN 1980), trú tại xóm Mán có dấu hiệu, biểu hiện tham gia mua bán, vận chuyển động vật hoang dã thuộc danh mục quý hiếm, nguy cấp (nhóm IB, IIB).
Sau một thời gian theo dõi, tổ công tác Đội 3 phối hợp Đội Cảnh sát giao thông – trật tự (Công an huyện Lạc Thủy) kiểm tra, bắt giữ xe ô tô do Bùi Văn Điệp điều khiển, phát hiện trên xe chở 6 cá thể động vật loài khỉ hoang dã (đã chết, ướp đá lạnh, được Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật xác định là loài khỉ thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB).
Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Bùi Văn Điệp khai nhận đã mua 6 cá thể động vật hoang dã trên để bán cho một khách đặt hàng trước đó, trên đường vận chuyển đi tiêu thụ bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Hành vi của đối tượng có dấu hiệu tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 234, Bộ luật Hình sự.
Mới đây nhất, ngày 10/5/2021, tại tổ 7, phường Quỳnh Lâm, Công an TP Hòa Bình phối hợp Phòng Ngoại tuyến (Công an tỉnh) phá chuyên án, bắt Bùi Trung Nghĩa (SN 1994), trú tại thị trấn Mai Châu (Mai Châu) đang vận chuyển trái phép động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 1 cá thể rùa hộp trán vuông, 7 cá thể rùa đầu to (thuộc nhóm IB quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ); 2 cá thể lợn lửng.
Tổ công tác yêu cầu xuất trình toàn bộ giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc số động vật trên. Tuy nhiên, Nghĩa không xuất trình được giấy tờ liên quan. Tại cơ quan Công an, Nghĩa khai nhận nguồn gốc số động vật vận chuyển cho bố đẻ là ông Bùi Văn Bí (SN 1957), trú tại tiểu khu 4, thị trấn Mai Châu.
Mở rộng điều tra, khám xét nơi ở của ông Bí, cơ quan Công an tiếp tục phát hiện, thu giữ 2 cá thể cầy vòi mốc (thuộc nhóm IIB quy định tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ), 2 túi có chứa các cá thể rắn ráo có tổng trọng lượng 5,1 kg. Ông Bí cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của những cá thể trên.
Theo thiếu tá Bùi Hữu Quyền, Đội Phòng ngừa, đấu tranh án buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ – Phòng Cảnh sát kinh tế, tuy là địa phương có rừng nhưng tình trạng buôn bán động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh thời gian qua không nổi cộm như ở nhiều địa phương khác. Động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên chủ yếu được các đối tượng mua bán, vận chuyển từ nơi khác về để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, hoặc trung chuyển đến các địa phương khác. Việc mua bán, vận chuyển tiêu thụ được các đối tượng thực hiện tinh vi, nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng. Công tác đấu tranh với loại tội phạm này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bình quân mỗi năm, lực lượng chức năng trong toàn tỉnh cũng mới phát hiện, bắt giữ được từ 2 – 3 vụ. Tất cả các vụ việc phát hiện, bắt giữ đều bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm, hầu hết đối tượng phạm tội đều bị khởi tố, xử lý trách nhiệm hình sự.
Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, tùy từng trường hợp thì bị phạt tiền từ 500 triệu – 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 – 5 năm, từ 5 – 10 năm, từ 10 – 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 – 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này thì bị phạt theo các mức phạt tiền từ 1 – 5 tỷ đồng, từ 5 – 10 tỷ đồng, từ 10- 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 – 3 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300 – 600 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, hoặc cấm huy động vốn từ 1 – 3 năm.